Tại ngôi nhà sang trọng, rộng rãi của Janardhana Reddy, một người đàn ông đang nhanh chân chạy lại đưa cho Reddy ly nước mát trong khi một nhà thiết kế đang chờ bàn thảo về việc xây dựng ngôi biệt thự mới. Janardhana Reddy không tự nhận là một ông vua như người ta đồn thổi, nhưng lại được coi là đại diện cho một hiện tượng mới trong nền kinh tế-chính trị ở Ấn Độ.
Những người phụ nữ và trẻ em Ấn Độ làm việc tại các khu khai thác mỏ |
Hiện Janardhana Reddy và anh trai của mình được cho là những ông chủ quyền lực nhất tại Ấn Độ. Trong khi đó, người ta đang đồn rùm beng chuyện một số quan chức trong bộ máy nhà nước dính líu tới hàng tỷ đô la thu được từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.
Được biết, các vụ bê bối mới đây liên quan đến ngành khai thác mỏ xảy ra tại ít nhất 5 bang của Ấn Độ. Trong vòng 3 tháng, hơn 20.000 đơn khiếu nại về các hầm mỏ bất hợp pháp đã được gửi lên các cơ quan chức năng.
Các nhà chính trị tại một số bang đã bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để làm giàu bất chính cho chính họ hoặc bạn bè của họ, trong đó có cựu giám đốc sở tài nguyên bang Jharkhand. Ông này bị cáo buộc về việc nhận hối lộ số tiền lớn để ủng hộ các hợp đồng thuê khai thác mỏ.
Anh em nhà Reddys cho hay, họ chẳng có một chút dính líu nào đến những chuyện khai thác mỏ phi pháp nói trên. Tuy nhiên, trong ít nhất một thập kỷ, anh em nhà Reddy đã “lột xác” từ các nhà hoạt động ít tiếng tăm cho đảng Bharatiya Janara (B.J.P) trở thành các ông chủ nắm quyền lực trực tiếp hoặc gián tiếp, kiểm soát nhiều hoạt động kinh tế-chính trị tại quận Bellary- nơi có nhiều mỏ quặng sắt nhất quốc gia.
Ramachandra Guha – một nhà lịch sử sống tại thủ phủ bang Bangalore cho hay, “họ chính là những ông vua không ngai tại nơi họ sinh sống”.
Một cuộc điều tra của thẩm phán Tòa án tối cao Ấn Độ Hegde - người chỉ đạo cuộc điều tra quan chức tham nhũng tại các khu mỏ bất hợp pháp ở Karnataka - đã phát hiện ra ít nhất 10 thành viên của Quốc Hội hoặc cơ quan lập pháp bang Karnataka kiểm soát các hợp đồng cho thuê tại vùng Bellary. Năm 2004, khi gia đình nhà Reddy bắt đầu có những hợp đồng cho thuê của mình, họ nổi lên như những nhà đầu cơ chính trị.
Với sự giàu có của mình, họ mua hẳn một chiếc trực thăng riêng và được cho là đổ nhiều tiền vào một số chiến dịch chính trị. Năm 2008, họ tài trợ cho đảng B.J.P và giúp đảng này giành quyền kiểm soát chính quyền bang Karnataka. Đổi lại, Janardhana Reddy trở thành người đứng đầu cơ quan du lịch của bang, trong khi anh trai Reddy thành người đứng đầu cơ quan thuế vụ, đồng minh của anh em nhà này cũng thành người phụ trách y tế.
Tới năm 2009, người bảo trợ của những “ông vua không ngai” tại Andhra Pradesh, Y.S.R.Reddy, đã chết trong vụ tai tai nạn máy bay. Không còn sự bảo trợ về chính trị, nhà Reddy đang bị điều tra về khai thác mỏ trái phép, xây đường trái phép và mở rộng mỏ khai thác ra chợ đường biên.
Trước mắt, mỏ của họ tại Andhra Pradesh đã bị tạm ngừng hoạt động. Cơ quan điều tra chống tham nhũng cũng đang điều tra về những cáo buộc cho rằng nhà Reddy đã bí mật kiểm soát các mỏ ở khu vực biên giới Karnataka bằng các hợp đồng cho thuê phi pháp.
Các phương tiện truyền thông của Ấn Độ mới đây đều đăng tải thông tin chính quyền trung ương nước này đã thành lập một đoàn thanh tra để điều tra về các hầm mỏ bất hợp pháp trên toàn lãnh thổ. Thẩm phán N.Santosh Hegde cho hay. “Với sự phát triển của ngành khai thác mỏ, ngày càng có nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực này. Những người không biết gì về khai thác mỏ nhưng có tiền hoặc sức khỏe cũng lao vào nghề này”.
Và trong những thập kỷ gần đây, các đảng phái chính trị đã quyên góp được nhiều tiền từ những ông chủ dầu mỏ này.
H.N (Theo NYT)