Việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em và gia đình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong học tập, làm giấy khai sinh, thủ tục nuôi con nuôi, nguy cơ bị bạo lực, lao động sớm, bị mua bán và xâm hại khác cần được quan tâm.
Cụ thể, Sở Tư pháp yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Hành chính Tư pháp và Bổ trợ Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, Thành phố thường xuyên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, cập nhật về số lượng, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do dịch COVID-19, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ em và người giám hộ của trẻ em để có biện pháp trợ giúp pháp lý kịp thời. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện truyền thông trên các phương tiện đại chúng về hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua việc tư vấn pháp lý, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng đối với trẻ em như: bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý như Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên pháp luật, công chức tư pháp cấp xã về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em, đặc biệt là ở các địa phương bùng phát dịch lần thứ 4. Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Trong bối cảnh chung đó, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã có văn bản số 437/CTGPL chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Trong đó, yêu cầu tăng cường trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ bị mồ côi do dịch COVID-19 để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các em không bị xâm hại do không có sự giám hộ của cha, mẹ; có sự phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chú ý thực hiện yêu cầu tại Công văn số 3234/LĐTBXH-TE ngày 23/9/2021 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Chú trọng thực hiện việc trợ giúp pháp lý, nhất là các vụ việc có liên quan đến chế độ chính sách như: Nghị định số 20/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị quyết số 68/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và chú ý nội dung điều chỉnh lao động là trẻ em; các văn bản của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương khác.
Cục Trợ giúp pháp lý yêu cầu phải tư vấn pháp lý hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ví dụ như: Tư vấn hỗ trợ pháp lý đăng ký khai sinh, nhận nuôi con nuôi… Đẩy mạnh truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em bằng nhiều hình thức, phương thức đa dạng, giúp trẻ em và người thân của các em biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý và sử dụng khi có nhu cầu. Việc thực hiện các hoạt động trên bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả, rộng rãi để các đối tượng cần được trợ giúp pháp lý được biết và sử dụng khi có nhu cầu.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"