Một bài báo vỏn vẹn 2 trang khổ nhỏ không được đưa in đã khiến cho các “nhà báo” học trò và tờ Spectrum của Trường Trung học Hazelwood ở Mỹ trở nên nổi tiếng ngoài ý muốn bởi một vụ kiện cáo ồn ào.
Hai bài báo bị bỏ gây ầm ĩ về quyền tự do ngôn luận trong nhà trường |
Cuộc tranh tụng kéo dài 5 năm xuất phát từ một quyết định của Hiệu trưởng Robert E. Reynolds. Tờ báo Spectrum không phải là kẻ thù của ông. Nó sống bằng bằng ngân sách của nhà trường, là nỗ lực của trường nhằm dạy cho các em những bước đi đầu tiên của nghề báo. Hiệu trưởng Reynolds là người nhiệt tình cổ vũ các phóng viên học trò và ông kiêm công việc duyệt bài.
Một ngày tháng 5/1983, khi đọc lại những bài viết cho số sắp in của Spectrum, ông hiệu trưởng phát hiện 2 bài báo mà ông đắn đo về nội dung.
Trong bài viết thứ nhất, có 3 nữ sinh trong trường kể lại chuyện họ từng mang thai. Họ nhìn lại cuộc sống phóng túng của mình và hối tiếc đã không sử dụng các biện pháp tránh thai. Bài viết thứ hai nói về ảnh hưởng của ly dị đối với học sinh. Một cậu học trò kể rằng cha mẹ cậu ly dị do người cha đã không dành thời gian cho gia đình, lúc nào cũng xa nhà vì chuyện làm ăn, đánh bài với bạn, cãi cọ với mẹ cậu về mọi chuyện.
Thầy Reynolds cho rằng dù tên của các nữ sinh và bạn trai của họ đã được thay đổi nhưng các học sinh trong trường vẫn có thể nhận dễ dàng suy đoán ra họ là ai. Đối với bài viết về người cha ly dị, Hiệu trưởng Reynold cho rằng cần phải cho người cha cơ hội giãi bày, bài viết mới chỉ nêu ý kiến từ một phía.
Cho rằng bài viết không thích hợp với lứa tuổi học trò, vả lại không còn thời gian để yêu cầu các tác giả sửa lại nên ông gạch bỏ nó. Bất bình vì công trình của mình bị vứt xó, 3 cô học trò là Cathy Kuhlmeier, Leslie Smart và Lean Tippett đã phản đối và sau đó khởi kiện.
Cathy Kuhlmeier |
Tại phiên sơ thẩm năm 1985, luật sư Leslie D. Edwards thay mặt cho 3 cô học trò cho rằng thầy Reynolds đã vi phạm Hiến pháp Mỹ khi kiểm duyệt tờ Spectrum, ngăn trở chức năng “diễn đàn công cộng” của tờ báo. Luật sư viện dẫn Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ và án lệ để chứng minh cho lập luận của mình.
Được luật sư Robert P. Bain. Jr. hướng dẫn, Hiệu trưởng Reynolds đưa ra lập luận rằng Tu chính án số 1 không áp dụng cho các học sinh và tờ báo của trường học không phải là một diễn đàn công cộng đúng nghĩa như những tờ báo khác, các “nhà báo” học trò không phải là các nhà báo người lớn vì họ còn đi học. Tờ báo của trường chỉ là một phần của chương trình học, được thực hiện dưới sự chỉ dẫn của các giáo viên trong giờ học, bài viết của các phóng viên học trò được giáo viên chấm điểm.
Hiệu trưởng Reynold không cho đăng những bài phóng sự về các học sinh gái có thai là nhằm bảo vệ chính các em. Theo luật sư, nhà trường phải bám theo chương trình học và đó là tôn chỉ quan trọng nhất trong hoạt động của một trường học. “Nếu vì một rắc rối ở tòa án mà phải thay đổi chương trình học thì đó sẽ là một tai họa cho giáo dục”, vị luật sư nhấn mạnh.
Luật sư Leslie D. Edwards viện dẫn bản án của Tòa án Tối cao Mỹ năm 1969 xử thắng cho 3 học sinh trung học tuổi từ 13-16 ở Des Moines (bang Iowa) khi những học sinh này bị nhà trường đuổi học vì đeo băng đen trên cổ tay đến trường nhằm phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Phán quyết này ủng hộ quyền của học sinh biểu lộ thái độ, chính kiến của mình do Tu chính án số 1 cho phép họ. Nhà trường không có quyền kiểm soát những hành động bày tỏ thái độ của học sinh trừ phi họ xác định hợp lý rằng sự bày tỏ thái độ đó có thể gây ra những chia rẽ lớn.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm năm 1985, thẩm phán John F. Nangle cho rằng Hiệu trưởng trường đã làm đúng chức trách, hành xử thận trọng và tôn trọng chương trình học. Tuy nhiên, một năm sau,một ban thẩm phán gồm 3 người đã bác quyết định của tòa sơ thẩm.
Hai trong số các thẩm phán đã giơ tay biểu quyết đồng ý rằng tờ báo Spectrum của trường Hazelwood là “diễn đàn công cộng”. Lúc đó, luật sư Leslie D. Edwards tuyên bố rằng Spectrum là một tờ báo “đúng nghĩa báo” nhất thế giới, rằng những mối quan ngại mà Hiệu trưởng Reynold đưa ra không thể biện minh cho việc “chính quyền, mà cụ thể là hiệu trưởng, có quyền can thiệp”.
Hiệu trưởng Robert Reynolds. |
Thời gian trôi qua, vụ án được đầy lên Tòa án Tối cao Mỹ, những người liên quan từ lâu đã không còn là học trò. Năm 1988, 6 trong số 9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ bản án sơ thẩm. Nhắc lại những lý lẽ của phiên tòa này, các thẩm phán cho rằng Nhà trường dạy các em làm báo nên họ có quyền ngăn chặn các hành vi xúc phạm người khác, ngăn chặn ngôn từ thô tục và những nội dung không phù hợp với tuổi các em. Nhà trường chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận của các em khi việc kiểm duyệt không phục vụ mục đích giáo dục của trường.
Bác bỏ viện dẫn của luật sư Leslie D. Edwards tới bản án năm 1969y, thẩm phán Byron White nói rằng việc mang băng đen tới trường là hành động không nằm trong khuôn khổ chương trình học của trường, vì thế nhà trường không có quyền kiểm soát. Còn tờ Spectrum nằm trong chương trình dạy và học của trường nên việc Hiệu trưởng can thiệp kiểm soát các bài viết trên đó là hợp lý.
Khi vụ án được xét lại ở cấp cao nhất, Cathy Kuhlmeier và Leslie Smart đã là những sinh viên năm cuối còn Laenne Tippet đang là một hộ lý. “Tôi không ngờ rằng câu chuyện lại đi xa đến như thế trong lịch sử”, Leslie Smart, người duy nhất trong nhóm quyết chí theo đuổi sự nghiệp báo chí mà ba người từng mơ ước.
Quang Huy