Tọa đàm sự kiện Trends Summit #02 |
Sự kiện Trends Summit #02 do Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ DigiMind Group, Reputyze Asia, Trends Việt Nam và Venus Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo, nhà tiếp thị, chủ doanh nghiệp. Sự kiện được tổ chức với mục đích giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối diện với nền kinh tế hiện nay. Trước những biến động khôn lường của thị trường và tình hình giảm sút của kinh tế, doanh nghiệp cần tìm ra những chiến lược và giải pháp để đưa nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh trở lại đà tăng trưởng.
Xu hướng Mega Trends
Mega Trends được định nghĩa là những xu hướng có tác động rộng lớn và toàn cầu, không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý, chính trị hay văn hóa, và liên quan đến những vấn đề chung của nhân loại như sức khỏe, giáo dục, an ninh, môi trường và phát triển bền vững.
Bà Tracy Vũ CEO của DigiMaster và Trends Việt Nam |
Tại sự kiện, bà Tracy Vũ, CEO của DigiMaster và Trends Việt Nam, đã đi sâu phân tích mô hình Mind Hacking Model để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Nội lực và Ngoại lực của mình trong năm nay từ đó tìm hiểu gốc rễ cơ chế vận hành và vận dụng các xu hướng Mega Trends cũng như chủ động kiến tạo các xu hướng mới cho doanh nghiệp của riêng mình. Các xu hướng Mega Trends được phân thành hai nhóm lớn gồm “Nhóm Mục tiêu và bốn nhóm Yếu tố hình thành”.
Các doanh nghiệp hiện nay đang hướng tới mục tiêu chung là tăng trưởng, phát triển bền vững, nhưng mục tiêu bên trong lại tập trung vào nhóm lớn như quản trị, hệ thống giá trị, chiến lược, branding, công nghệ. Đối tượng hướng tới của doanh nghiệp cũng ngày càng đa dạng bao gồm các đối tượng đa thế hệ, đa hành vi, và cả Human (liên quan tới con người), Nonhuman (không liên quan tới con người).
“Các xu hướng Mega Trends được hình thành như hướng vào bên trong là đầu tư vào giá trị, hướng ra bên ngoài như sức khỏe, trải nghiệm, tính nguyên bản và xu hướng lớn bao trùm bên trong và bên ngoài là bền vững. Tính bền vững vừa là mục tiêu, mục đích, vừa là kết quả của các xu hướng trên” - Bà Tracy Vũ chia sẻ.
Chiến lược quản trị rủi ro và phát triển bền vững
Trong thời đại hiện nay, khi mà các doanh nghiệp và tổ chức đang phải đối mặt với những thách thức và rủi ro ngày càng phức tạp, chủ đề về “Quản trị rủi ro và phát triển bền vững” trở nên cực kỳ quan trọng và đáng chú ý.
Ông Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia về Chiến lược, Marketing và Đổi mới sáng tạo, Phó Tổng Giám đốc về chiến lược & Marketing của Owen Fashion |
Ông Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia về Chiến lược, Marketing và Đổi mới sáng tạo, Phó Tổng Giám đốc về chiến lược & Marketing của Owen Fashion cho biết, một chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả là sự kết hợp của 3 yếu tố: Tăng trưởng kinh doanh, quản trị chiến lược và kiểm soát thực thi. Từ đó, một tổ chức có thể phát triển bền vững với khả năng chống chịu rủi ro, khi có thể gắn kết với các mục tiêu và cơ hội mới, linh hoạt phân bổ nguồn lực và đơn giản hóa quy trình ra quyết định.
“Doanh nghiệp vừa phải nhìn vào tương lai xem xu thế, sản phẩm thị trường biến động ra sao và chúng ta sẽ ở đâu trong 3-5 năm tới. Nhưng không quên nhìn vào thực tại, phân bổ nguồn lực linh hoạt và duy trì sự ổn định, hiệu quả. Tôi gọi xu thế này là thuận cả 2 tay, một tay nhìn về tương lai, một tay lo cho hiện tại. Phần lớn chiến lược tốt thường thất bại, quan trọng ở phần kiểm soát và thực thi. Việc này cần kết hợp các yếu tố như con người, quy trình, sự tuân thủ và văn hoá” - ông Thuận gợi ý.
Tạo dấu ấn với khách hàng
Ông Andy Vũ, Nhà sáng lập và Tổng Giám Đốc DigiMind Group |
Trong một thế giới mà sự tăng trưởng chậm lại, ông Andy Vũ, Nhà sáng lập và Tổng Giám Đốc DigiMind Group, cho biết việc xây dựng thương hiệu, truyền tải thông điệp và tạo dấu ấn cũng khác.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp truyền thống thay đổi hình ảnh, từ việc tiếp cận thế hệ khách hàng Gen X, Y chuyển sang tiếp cận Gen Z. Gen Z họ sinh ra trong môi trường đầy đủ nên mối quan tâm họ khác, họ quan tâm cá nhân, cái tôi, môi trường. Giống như chúng ta khi nghèo đói quan tâm đến làm giàu, khởi nghiệp, nhưng khi giàu có sẽ có mối quan tâm khác.
Dù trong bối cảnh nào doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới thương hiệu. Các doanh nghiệp cần tìm cách biến nhân viên, đối tác, khách hàng, công chúng thành đại sứ thương hiệu và quan tâm tới nhiều công chúng hơn thay vì chỉ khách hàng. Đặc biệt nội dung truyền thông quan trọng hơn kênh truyền và tính nhất quán của thông điệp tạo ra sự ghi nhớ, tính cá nhân hóa tạo nên sự khác biệt.
“Nhiều doanh nghiệp làm website, fanpage với 1 vài video chỉ để chạy quảng cáo, sau đó tiến đến làm marketing luôn. Nếu không xây dựng thương hiệu thì xây dựng các chất liệu truyền thông sẽ vụn vặt, không nhất quán. Việc triển khai chiến dịch gấp rút nên đầu tư cho các kênh truyền thông thiếu bài bản. Doanh nghiệp lúc này mới chỉ tập trung khách hàng nhưng chưa tập trung đến công chúng, trong khi công chúng mới tạo ra vòng ảnh hưởng lặp lại trong hành trình tiếp cận thương hiệu”, ông Andy Vũ nói.
Ông Kiên Đoàn - Nhà sáng lập và Chủ tịch Reputyze Asia |
Còn theo ông Kiên Đoàn - Nhà sáng lập và Chủ tịch Reputyze Asia, trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng AI không chỉ đơn thuần là để tăng tốc độ và hiệu suất. Điều quan trọng hơn, công nghệ cần phải mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống và xã hội.
“Doanh nghiệp cần tuân theo nguyên tắc “đúng và đủ”. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những công nghệ mới nhất, mà còn giúp họ thấu hiểu và kết hợp công nghệ với các chiến lược kinh doanh một cách chắc chắn và hiệu quả. Chúng ta nhanh trong việc tìm hiểu công nghệ mới, chậm trong việc ứng dụng đúng và đủ” - ông Kiên Đoàn chia sẻ.
Dẫn dắt từ kinh nghiệm bản thân, ông Kiên Đoàn nêu ra 05 bước chuyển đổi khách hàng, bao gồm: tìm khách hàng mới, dẫn khách hàng về Web hoặc App, tăng trưởng Online, thu hút xuống Offline và cuối cùng là trung thành và giới thiệu.