Vượt qua 1450 tác phẩm báo chí, Báo pháp luật Việt Nam đã vinh dự nhận giải B và C trong lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ VII – 2012 vào tối ngày 21/6, lễ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Giải báo chí quốc gia năm nay có thêm nhiều nét mới mẻ ở hạng mục trao giải đồng thời chất lượng và số lượng các tác phẩm dự thi không ngừng tăng lên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong lễ trao giải báo chí Quốc gia lần thứ VII |
Có thêm Giải thưởng dành cho báo điện tử
Tối ngày 21/6, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2012 (lần thứ VII) đã diễn ra trang trọng. Tới dự lễ trao giải có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Mở đầu buổi lễ trao giải, Nhà báo Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tiếp theo 6 mùa giải, Giải báo chí quốc gia năm nay được trao cho các tác phẩm báo chí sáng tác năm 2012, có thể khẳng định đã thành công tốt đẹp, đã chọn được 5 tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc nhất trong số 1.450 tác phẩm thuộc các thể loại báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử gửi dự thi, để trao giải A. Hơn 100 tác phẩm được trao giải B, giải C và Khuyến khích.
Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII năm nay có nhiều nét mới mẽ trong đó phải kể đến hạng muc giải thưởng dành cho Báo điện tử và ảnh báo chí. Điều này chứng tỏ sự đổi mới và bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí trong thời đại thông tin truyền thông mới. Một điểm nổi bật nữa là số lượng tác phẩm-tác giả và đơn vị báo tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, từ 59 trong 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố cùng nhiều Liên Chi hội, Chi hội trực thuộc và nhiều cơ quan báo chí Trung ương tham dự. Số tác phẩm của cộng tác viên, tác phẩm ảnh báo chí cũng cao nhất so với các năm trước.
Nhà báo Thuận Hữu nhấn mạnh, Giải Báo chí quốc gia đã thu hút được nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh khách quan, bao quát các sự kiện, sinh hoạt chính trị, kinh tế-xã hội lớn của đất nước trong năm 2012. Trong bối cảnh đời sống kinh tế-xã hội trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các tác phẩm báo chí đã phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ...
Nhiều tác giả đã đi sâu giới thiệu những cách làm hay, nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi mặt đời sống xã hội, vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa nhân văn cao cả. Bên cạnh đó, với trách nhiệm xã hội của báo chí, nhiều tác phẩm đã đi sâu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá đất nước, đấu tranh mạnh mẽ bằng ngôn luận trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới và quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu trao giải B Giải Báo chí quốc gia |
Năm định hướng phát triển cho báo chí
Sau khi trao giải A, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu, biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII.
Để báo chí tiếp tục làm đúng vai trò, khẳng định vị trí của mình, Thủ tướng cũng đặt ra 5 vấn đề lớn để báo chí phát triển gồm:
Phát huy truyền thống tốt đẹp, khắc phục hạn chế, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội.
Báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, các Bộ, Ban ngành và các cơ quan Trung ương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm báo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin;tiếp tục tổ chức thật tốt Giải Báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc.
Hai tác phẩm báo chí của báo PLVN đạt giải gồm: loạt bài “Hàng loạt vụ hy sinh trong khi thi hành công vụ: Bị khước từ danh hiệu vì chưa… dũng cảm” của nhà báo Lương Thị Vân Anh và phóng viên Hồ Hằng đã đạt giải B. Nội dung loạt bài này phản ánh những điểm không phù hợp trong xét, công nhận danh hiệu liệt sỹ cho người có công. Loạt bài thứ hai - “Chứng minh nhân dân mẫu mới: Chưa “ra lò” đã phiền toái!” của hai nhà báo Võ Tuấn Anh và Phan Thị Thanh Quý đã được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia tặng giải C. Đây là loạt bài phân tích và chỉ rõ những điểm bất hợp lý xung quanh quy định công khai tên cha, mẹ của người được cấp trên chứng minh nhân dân..
Đây là mùa giải thứ ba liên tiếp, Báo PLVN tham gia và đoạt được giải thưởng của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia. Điều này thể hiện sự nỗ lực và ngày một trưởng thành của đội ngũ những người làm báo Báo PLVN tại “sân chơi” chuyên nghiệp này. |
Văn Hùng