“Đất nước đang thiếu vốn trầm trọng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ là để có thêm nguồn vốn nhưng cách phân bổ vốn trái phiếu hiện rất dàn trải, khiến nhiều công trình, dự án kéo dài, dang dở”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH khai mạc hôm qua (4/5).
Nhiều công trình giao thông bị sạt lở cần được sửa chữa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. (Ảnh minh họa) |
Tiền phải “rót” vào những nơi thực sự cấp bách
Các dự án mới Chính phủ đề xuất bổ sung là Dự án Cầu Năm Căn (Cà Mau); Cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang); Xây dựng công trình nhà ở sinh viên của trường Đại học Trà Vinh; Dự án bệnh viện ung thư thành phố Đà Nẵng và 5 dự án thành phần thuộc dự án ven biển tỉnh Ninh Thuận. Cùng đó là 4 dự án điều chỉnh tăng quy mô.
Trong số các này, đáng chú ý là dự án Dự án xây dựng Cầu Năm Căn thuộc dự án đường Hồ Chí Minh là chiếc cầu cuối cùng tạo nên sự thông suốt của tuyến đường, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, đảm bảo thực hiện quy hoạch thị trấn Năm Căn thành khu công nghiệp dịch vụ khai thác dầu khí, cảng biển.
Dự án Bệnh viện ung thư TP Đà nẵng cũng quan trọng trong việc phòng, chống, phát hiện sớm và điều trị ung thư cho nhân dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên - nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của chiến tranh và hậu quả chất độc hóa học; góp phần giảm tải cho tuyến trung ương.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách và nhiều ý kiến trong UBTVQH nhất trí việc bổ sung 4 dự án mới như Tờ trình của Chính phủ vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lo ngại khi Nghị quyết 12/QH 13 về vốn TPCP 2011-2015 vừa thông qua được mấy tháng đã xin bổ sung.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội K’Sor Phước cũng sốt ruột: “Các dự án xin bổ sung đúng là cần thiết nhưng hiện còn nhiều công trình quan trọng hơn, ví như các vùng bị sạt lở, nguy cơ mất nhà cửa, tài sản, đe dọa tính mạng của dân, hay những trục chính giao thông khả năng mất luôn cả đường sau mỗi trận mưa bão…Phải cân nhắc thêm dự án nào thực sự cấp bách”.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại bức xúc với tình trạng các công trình đầu tư dàn trải, dang dở, lãng phí, ví dụ Quốc lộ 1A đoạn từ Hà Nam đi Thanh Hóa hay dự án BV đa khoa Hậu Giang, vì đầu tư nhỏ giọt nên nhiều năm vẫn không thể hoàn thiện để khai thác.
Chương trình mục tiêu quốc gia: nguồn lực còn dàn trải
Báo cáo về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011 – 2015, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng cho biết: Chương trình MTQG gồm 16 Chương trình với tổng số 67 dự án và đề án thành phần, giảm 11 dự án so với năm 2011.
Tổng kinh phí để thực hiện các Chương trình MTQG do các Bộ quản lý Chương trình MTQG trình phê duyệt sau khi rà soát, điều chỉnh là: 275.605 tỷ đồng. Chính phủ cũng trình thời gian cụ thể đối với từng dự án thành phần.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ rõ: nhiều mục tiêu của Chương trình chưa rõ; một số chương trình đa mục tiêu, một số dự án thành phần chưa có sự liên kết với mục tiêu chung; thiếu gắn kết; nguồn lực bố trí còn dàn trải…
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đồng tình với nhận định nêu trên: “Chương trình nhiều mục tiêu trùng lắp. Ví dụ đã có chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững lại vẫn có giảm nghèo và an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không bằng lòng với nhiều nội dung Chính phủ đề xuất khi. Ông cho rằng cách làm như vậy thì có thêm rất nhiều dự án nữa cũng không giải quyết được vấn đề mà lại khiến mọi việc dở dang.
Vì thế, Nghị quyết về vấn đề này chưa được thông qua như dự kiến mà Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện để trình UBTVQH vào thời gian tới.
Thu Hằng