“Một người dân tộc cõng ma túy thuê lấy vài chục ngàn về mua gạo, bị bắt, bị đi tù còn bị phạt mấy chục triệu… lấy tiền đâu ra mà trả. Những loại án như vậy nếu không có cơ chế xử lý thì một năm chứ vài chục năm, thậm chí vĩnh viễn cũng không thể thi hành” - Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự (THADS), PGS.TS Nguyễn Văn Luyện chia sẻ về một trong rất nhiều loại án dân sự tồn đọng hiện đang “nằm” tại các cơ quan THADS. Đây cũng là “nguồn cơn” khởi thảo cho ý tưởng về xây dựng Đề án giải quyết án dân sự tồn đọng vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Luyện |
Đã có cơ chế miễn giảm nhưng án tồn đọng vẫn lớn
Thưa ông, đã có một thời gian, cứ phạm tội về ma túy là Bộ luật Hình sự (BLHS) phạt tối thiểu 20 triệu đồng. Sau này dù quy định đó được sửa đổi nhưng nhiều trường hợp cứ phạt tiền, thậm chí dù là án phí 200 ngàn thì đương sự cũng không thể thi hành?
- Hiện nay, rất nhiều vụ án mà người phải THA phạm tội về ma túy, nhưng không phải là buôn bán lớn mà chỉ là cõng ma túy thuê, hay vận chuyển vài tép hêrôin lấy tiền để thỏa cơn nghiện.. .Người phạm tội, không chỉ họ và gia đình họ nhà cửa không có để ở, cơm không có mà ăn, phải sống nhờ cứu trợ hoặc đi làm thuê lần lữa đắp đổi qua ngày. Những loại án như vậy là vĩnh viễn không thể thi hành, nhưng thực tế lại đang tồn đọng rất nhiều ở các địa phương.
Có một thực tế không chỉ các đối tượng phạm tội về ma túy mà còn nhiều người khi phải thi hành nghĩa vụ dân sự khi chấp hành xong hình phạt tù cũng bỏ đi biệt xứ, không ai biết họ đi đâu. Những trường hợp này cũng thuộc loại phải “treo” vĩnh viễn?
- Trong Đề án xử lý án tồn đọng mà Tổng cục THADS đang xây dựng thì có đến 7 nhóm việc tồn đọng, trong đó tập trung nhiều nhất vào nhóm đối tượng người phải THA là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú mới (loại này là hơn 34 ngàn việc chiếm gần 67% án tồn đọng). Đây là loại chiếm tỷ lệ cao nhất sau đó đến các nhóm khác…
Nhưng được biết Luật THADS đã tạo cơ chế miễn, giảm cho một số loại việc, vậy tại sao số án nói trên không tiếp tục được xử lý theo cơ chế này, thưa ông?
- Việc miễn giảm THADS theo cơ chế mới trong những năm qua đã xử lý được một phần đáng kể án tồn đọng. Tuy nhiên khi xét miễn, giảm theo quy định của Luật THADS và Nghị định số 58 hướng dẫn thi hành thì điều kiện tiên quyết, bắt buộc là người phải THA phải đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành. Do đó, trong thực tế với các trường hợp mà người phải thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước trên 5 triệu đồng không thực hiện được việc xét miễn, giảm THA vì người phải THA quá nghèo, không thể thi hành được 1/20 khoản phải THA.
Tóm lại là mặc dù đã có quy định về việc miễn, giảm THA tuy nhiên do điều kiện, thủ tục miễn giảm chưa phù hợp nên hiệu quả chưa cao. Nhiều việc cơ quan THA phải theo dõi, xác minh trong nhiều năm, những người phải THA vẫn không có điều kiện thi hành vì quá nghèo, hoặc đã bị khánh kiệt trong khi khoản phải THA so với họ là quá lớn.
Chỉ đạo, điều hành có lúc còn “buông lỏng”
Án tồn đọng gần đây dù không còn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, tuy nhiên, con số án năm sau phải chuyển sang năm trước vẫn còn lớn. Theo ông, ngoài những bất cập trong các quy định của pháp luật, liệu có còn những nguyên nhân xuất phát từ chính nội lực của cơ quan THA, chấp hành viên?
- Trong Đề án đang xây dựng, chúng tôi cũng chỉ rõ bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác THADS năng lực, trình độ hạn chế, thiếu trách nhiệm trong công việc. Công tác chỉ đạo, điều hành chưa thực sự nề nếp, có nơi, có lúc còn buông lỏng, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Một số cơ quan THADS chưa tích cực, chủ động trong việc tham mưu giải quyết những vướng mắc cho Ban chỉ đạo THA nhất là đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Đặc biệt, kiểm tra để phát hiện sai sót trong hoạt động THADS là rất cần thiết tuy nhiên một số trường hợp kiểm tra còn mang tính hình thức, còn nể nang. Một số trường hợp khi có biểu hiện sai phạm chưa được phát hiện kịp thời.
Nhưng hoạt động THADS không phải là tự mình làm, tự mình quyết, còn liên quan đến nhiều cơ quan khác có chức năng phối hợp?
- Đúng như vậy, thời gian qua việc thanh tra, kiểm sát THA đã được tăng cường nhưng nhiều khi chưa thực sự phát huy tác dụng nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm. Hoạt động thanh tra, kiểm sát mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc chấp hành pháp luật của cơ quan THA và chấp hành viên, mà chưa mở rộng ra với các đối tượng khác như người được THA, người phải THA và các cơ quan hữu quan trong việc chấp hành pháp luật về THADS.
Cái khó nữa mà các cơ quan THA gặp phải là những trường hợp Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi, cơ quan THA đã đề nghị giải thích, đính chính hay xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nhưng chậm thi hành hoặc không thi hành được.
Bên cạnh đó là những việc còn có ý kiến khác nhau giữa các ngành, chính quyền địa phương chưa kịp thời được giải quyết trong khi loại này chiếm khối lượng lớn; nhiều việc đang bị hoãn, tạm đình chỉ thi hành theo yêu cầu của VKS, Tòa án có thẩm quyền nhưng chậm có kết quả, thậm chí có trường hợp hết thời hạn hoãn mà không có kháng nghị, người đã yêu cầu hoãn cũng không thông báo cho cơ quan THA kết quả xem xét kháng nghị nên gây khó khăn cho việc THA.
Đề nghị “xóa nợ” và “khoanh nợ”
Thưa ông, để giảm án tồn đọng, các giải pháp trước mắt sẽ được đề xuất xử lý như thế nào?
- Đề án xử lý án tồn đọng đề nghị Quốc hội “xóa nợ” cho người phải THA đối với trên 50 ngàn việc tồn thuộc hai trường hợp: thứ nhất, bản án, quyết định tuyên đương sự phải thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước như phạt tiền đối với những đối tượng tổ chức hút, vận chuyển ma túy; khoản phạt, truy thu tiền thu lợi bất chính; phạt bồi thường tài nguyên rừng… nhưng đương sự quá nghèo hoặc bị khánh kiệt, không có tài sản để THA.
Trường hợp thứ hai là người phải THA là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú mới và tài sản của họ; doanh nghiệp bị giải thể, hoặc “biến mất” mà không xác định được địa chỉ, không có tài sản để THA.
Nhóm việc đề nghị Quốc hội cho xóa sổ thụ lý lập sổ theo dõi riêng (tương tự việc “khoanh nợ” của các tổ chức tín dụng) đối với 1680 việc thuộc 5 trường hợp: thứ nhất, bản án, quyết định có căn cứ xác định có sai sót về nội dung nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. thứ hai,bản án tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan THA đã có văn bản đề nghị giải thích nhiều lần nhưng không nhận được trả lời hoặc trả lời không rõ dẫn tới bản án, quyết định không thể thi hành được.
Trường hợp thứ ba, bản án, quyết định hình sự tuyên xử lý vật chứng, tài sản nhưng cơ quan điều tra không chuyển giao vật chát do vật chứng mất, hư hỏng làm mất giá trị của tài sản (trường hợp tịch thu sung công).
Thứ tư, bản án quyết định tuyên trả lại tiền cho đương sự nhưng họ không đến nhận và thứ năm là bản án, quyết định mà đương sự là người nước ngoài, mà quốc gia nơi người đó mang quốc tịch chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, khiến cho việc ủy thác tư pháp không thể thực hiện được.
Còn về lâu dài thì có tính đến việc sửa Luật không thưa ông?
- Lâu dài, để giảm án tồn đọng phải sửa Luật THA dân sự và các văn bản liên quan, trong đó tiếp tục duy trì biện pháp miễn, giảm THA đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước mà đương sự không có tài sản để THA. Đồng thời nghiên cứu bổ sung và cụ thể hóa các điều kiện về miễn, giảm THA theo hướng mở rộng đối tượng, điều kiện miễn giảm THADS; đơn giản hóa thủ tục miễn, giảm.
Cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép cơ quan THADS được ra quyết định đình chỉ THA đối với những trường hợp đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không THA được.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của 63 tỉnh, thành phố tính đến ngày 31/3/2011 cả nước có hơn 52 ngàn việc trên hơn 280 ngàn việc chưa thi hành (chiếm 18,3%) với số tiền gần 2.417 tỷ đồng (trên 23.680 tỷ đồng chưa thi hành –chiếm hơn 10,2%). Trong đó: - Người phải THA là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú mới: hơn 34 ngàn việc chiếm gần 67% án tồn đọng. - Người phải THA phải thi hành khoản ngân sách nhà nước nhưng lại quá nghèo hoặc khánh kiệt, không có tài sản để THA: 15.723 việc, chiếm 30,23%. - Bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót; bản án, quyết định tuyên trả lại tiền, tài sản cơ quan THADS đã nhiều lần báo gọi, nhưng đương sự không đến nhận: 1248 việc, chiếm 2,40%. |
Thu Hằng (thực hiện)