Xung quanh thông tin có hàng ngàn điểm 0 môn thi Lịch sử trong kì thi ĐH – CĐ vừa qua và phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, Trung tướng Lê Hữu Đức và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - những người có nhiều đóng góp vào những chiến thắng lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta đã chia sẻ trăn trở của mình.
"Tôi suy nghĩ về sự tồn vong của dân tộc"
- Ông có suy nghĩ gì khi có quá nhiều bài thi môn lịch sử trong kì thi tuyển sinh ĐH – CĐ vừa qua bị điểm 0?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Hôm trước, tôi có theo dõi một đoạn phỏng vấn một học sinh giỏi trên truyền hình. Khi em này được hỏi: “ Trong các môn học, môn nào em học kém nhất?”.Học sinh đó đã trả lời là môn lịch sử.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Tôi suy nghĩ về sự tồn vong của một dân tộc. Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Nói như vậy để thấy đất nước mình phát triển được là nhờ một nền văn hóa 4000 năm văn hiến. Nếu quên lịch sử tức là chúng ta đã quên tổ tiên, ông cha ta, quên đi dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong chúng ta, quên đi mình là ai.
Trong lịch sử, một nghìn năm dân tộc ta bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc nhưng chúng ta không bị đồng hóa. Ấy là do cốt cách văn hóa của dân tộc được giữ gìn. Mọi người dân đều thấm nhuần lịch sử oanh liệt trong máu mình rồi.
Nếu quên lịch sử, trong tương lai người Việt Nam có còn giữ được nguồn gốc của mình hay không hay là sẽ bị đồng hóa bởi một nền văn hóa khác? Không biết sử thì sẽ không biết mình là ai thì còn đâu là dân tộc. Khi đó đau lòng lắm!
Trung tướng Lê Hữu Đức: Để hiểu được vấn đề chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Vì sao bây giờ học sinh lại đổ xô vào kinh tế, công nghệ? Ta phải xem chủ trương của nhà nước với giáo dục như thế nào?
Ngày trước tôi đi thi có hai ban là ban toán và ban triết. Điểm thi toán và triết phải đều nhau. Ví như thi toán được 9 được 10 nhưng triết không được để dưới năm và ngược lại.
Vì sao ngày trước, ngành sư phạm cao quý là thế mà bây giờ lại bị bị một số người không coi trọng?
Trung tướng Lê Hữu Đức. |
Chỉ đơn giản là học những ngành kinh tế, công nghệ thì ra trường xin được việc ngay nên được xã hội đánh giá cao hơn.
Cách đây chừng 3 tháng, tôi đi xe taxi mới hỏi cậu lái xe rằng trước đây cháu học hành thế nào? Rất bất ngờ, cậu ta kể lại chuyện học hành của mình cho tôi nghe rằng cậu ta đã tốt nghiệp đại học khoa lịch sử loại khá. Nhưng vì mấy năm trầy trật không xin được việc nên đành xin đi làm lái xe taxi. Đi làm lái xe taxi ít ra còn được 3-4 triệu/tháng chứ xin vào các cơ quan nhà nước lương tháng thấp ăn gì.
Để khắc phục vấn đề này, chúng ta phải uốn từ gốc chứ không phải từ ngọn. Mình trách thế nào được thanh niên bây giờ. Cả xã hội như thế rồi. Những chỉ đạo từ Bộ GDĐT có điểm chưa hợp lý. Chúng ta sửa thì phải sửa cái gốc chứ chỉ uốn nắn các cháu thì không được. Từ đó mới nói, gốc sai thì ngọn cũng sai.
Ai đời dân đổ xô đi học ngoại ngữ tiếng Anh thì xin được việc, được xã hội ưu tiên còn học lịch sử ra lại không xin được việc phải đi lái taxi trong khi đó đây lại là người học trong ngành mà chúng ta đào tạo ra.
Vô trách nhiệm khi nói nhiều điểm 0 là bình thường
- Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, điểm thi môn lịch sử thấp là vấn đề của thời đại, của nhiều nước trên thế giới, không phải là chuyện của riêng Việt Nam và trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua có hàng ngàn điểm 0 môn sử thì thấy bình thường. Ông đánh giá thế nào về phát biểu của Bộ trưởng này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ông Bộ trưởng Bộ GDĐT mà nói như thế thì vô trách nhiệm quá. Đường đường một vị Bộ trưởng của Bộ GDĐT mà lại phát biểu như thế thì không thể được.
Vậy ông bộ trưởng hãy nêu những nước nào trên thế giới có điểm thi môn lịch sử thấp như vậy nữa.
Chúng ta hãy nhìn sang bên nước láng giềng Trung Quốc xem họ giáo dục lịch sử của họ như thế nào? Họ giáo dục lịch sử của họ tốt lắm. Bằng chứng là người Hoa dù có nhập quốc tịch của nước khác rồi thì bản sắc văn hóa của dân tộc mình họ vẫn giữ được.
84 triệu người Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống mà do lịch sử dân tộc “đẻ” ra. Giáo dục lịch sử suy thoái, ai chịu trách nhiệm? Chúng ta không thể đổ lỗi cho học sinh, các thầy cô giáo hay một ai đó mà đó là do chúng ta chưa đặt giáo dục vào đúng chỗ của nó. Ấy là lỗi của các nhà lãnh đạo. Tôi thử hỏi, có bao nhiêu vị lãnh đạo khi xuống công tác tại các địa phương ngoài quan tâm nghe báo cáo về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội còn kiểm tra xem học sinh ở khu vực đó có học và nắm được những kiến thức cơ bản môn lịch sử hay không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Đó chẳng phải là cách giáo dục của họ rất tốt đấy sao? Hay chỉ có Việt Nam mới như vậy hoặc đó chỉ là cách chống chế của ông bộ trưởng trước thành tích quá kém cỏi của giáo dục lịch sử?
Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta”. Nếu nói là bình thường thì chẳng hóa ra bấy lâu nay chúng ta đang thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động, với một số người lại chẳng có giá trị gì ư? Bởi nếu là bình thường thì quan điểm của Bác về giáo dục lịch sử không còn đúng và như vậy thì còn đâu là học theo tấm gương của Bác nữa.
Trung tướng Lê Hữu Đức: Việc ông Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nhiều điểm 0 môn lịch sử là bình thường thì tôi thật sự không hiểu và không đồng ý. Bình thường là bình thường thế nào? Chả lẽ để đến khi nhổ toẹt vào lịch sử thì mới là không bình thường? Sai thì sửa chứ sao lại phải ngoan cố như thế?
Thanh niên là tương lai của đất nước, quên lịch sử mà bảo là bình thường thì không thể chấp nhận được!
Tôi lo lắm! Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề tranh chấp biển Đông đang phức tạp như hiện nay.
Bất kỳ là ai, ở vị trí nào, ai quên lịch sử là quên dân tộc. Mà quên dân tộc là mất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cần thiết nhưng đừng quên lịch sử dân tộc.
Như vậy, nguồn gốc sâu xa của vấn đề này nằm ở đâu và cách khắc phục ra sao, thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Bấy lâu nay, chúng ta đã đặt vấn đề lịch sử không đúng chỗ. Việt Nam là quốc gia có truyền thống hơn 4000 năm lịch sử.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề dạy và học lịch sử không được coi trọng. Nhà nào cũng muốn con em mình theo học toán, lý, hóa mà xem nhẹ những môn như văn, sử, địa. Xuất phát từ đó, các môn học trong đó có lịch sử bỗng dưng bị coi là môn phụ và ít người chú ý học.
Tôi nghĩ rằng, khi giáo dục một con người thì phải giáo dục cho anh ta biết anh ta là ai, đang ở đâu. Đó là nhiệm vụ quan trọng của các thầy cô giáo dạy môn lịch sử và địa lý. Có như vậy thì người học mới biết mình là công dân Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng với hàng nghìn năm lịch sử chưa từng chịu khuất phục.
Đó là một niềm tự hào! Nếu không biết điều đó thì có nghĩa là người đó đã bị đồng hóa và trở thành người của một dân tộc khác chứ không phải là dòng giống con Rồng cháu Tiên nữa.
Trước đây, trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp đã giáo dục thanh niên ta rằng: tổ tiên của ta là người Gôloa nhưng không bao giờ thanh niên ta tin vào điều đó bởi dân ta đã biết tổ tiên mình có gốc gác như thế nào.
Sau đó, để phụng sự cho đất nước của mình thì anh ta phải tiếp thu và học thêm kinh tế, khoa học kỹ thuật.
Tức là chúng ta phải xây dựng một cách vững chắc cái gốc thì cái ngọn mới vững. Trong thời gian qua, chúng ta chỉ chăm chút cho cái ngọn mà quên đi cái gốc nên hậu quả của việc đó đã thấy rõ qua nhận thức về lịch sử dân tộc mà cụ thể ở đây là điểm thi môn lịch sử rất thấp.
Theo tôi, trong đào tạo, các môn văn, sử, địa phải được coi là những môn chính chứ không phải những môn phụ nữa.
Tôi nghĩ trong kì thi tốt nghiệp, môn lịch sử phải được đưa vào thành môn thi chính. Chúng ta phải đặt đúng vị trí vốn có của nó trong xã hội.
Xin cảm ơn Trung tướng.
Theo Giáo dục Việt Nam