Hôm qua 16/8, lần đầu tiên dự án Luật Hòa giải cơ sở (HGCS) đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến. Thừa nhận hòa giải cơ sở là việc làm quan trọng góp phần giữ yên xóm làng, ổn định an ninh trật tự tại địa phương nhưng nhiều Ủy viên UBTVQH đã đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề để hòa giải thực sự phát huy vai trò trong đời sống xã hội.
Một hoạt cảnh trong Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2012 của xã Cao Xá (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) |
Cái gì có lợi cho người dân vẫn nên hòa giải
Theo Dự thảo Luật được trình ra UBTVQH, phạm vi hòa giải là những mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Chính phủ cho biết vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau. Thứ nhất, đồng ý với dự thảo. Nhưng loại thứ hai đề nghị cần mở rộng phạm vi hòa giải.
Theo đó, hoạt động HGCS cần được tiến hành đối với tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc mọi lĩnh vực phát sinh tại địa bàn cơ sở mà các bên có yêu cầu hòa giải, không kể quy mô vụ việc, trừ các vụ việc theo pháp luật phải xử lý hành chính hoặc hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ rõ quan điểm “không phải chỉ mâu thuẫn nhỏ mới hòa giải, thậm chí những mâu thuẫn, tranh chấp lớn (ví dụ tranh chấp đất đai giữa hai làng) vẫn có thể đưa ra hòa giải”.
Tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng không nên máy móc chỉ “nhỏ” mới hòa giải. “Về nguyên tắc hòa giải nhỏ mà êm nhà cửa, gọn trong thôn xóm là tư tưởng đúng. Nhưng không nên bó trong cái nhỏ. Thực tế có những trọng án cực lớn không hòa giải không xong, kể cả việc hôn nhân gia đình” - ông Hiện nói và nhấn mạnh “việc to mà có lợi cho dân cho nước thì vẫn nên hòa giải”.
Chủ tịch hội đồng dân tộc QH K’So Phước cho rằng, trên thực tế có rất nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết bằng pháp luật như mâu thuẫn trong dòng họ, mâu thuẫn giữa các dân tộc. Nhiều vụ tòa án, chính quyền cũng không “xử” được, “xử” dân không nghe. “Dự thảo Luật cần bổ sung nhà nước khuyến khích cộng đồng dân tộc thiểu số áp dụng phong tục tập quán trong HGCS” - ông K” So Phước đề nghị.
Khẳng định HGCS có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc xây dựng Luật HGCS là cần thiết nhưng cần nâng cấp, mở rộng phạm vi, tạo điều kiện cho các hình thức hòa giải khác phát triển.
Lo ngại khái niệm “mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ” là trừu tượng, khó xác định quy mô, mức độ có thể dẫn đến sự lúng túng trong việc xác định các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi HGCS, một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị làm rõ hơn khái niệm này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thì lượng hóa nó là vấn đề khó và quan trọng là “không ép buộc hòa giải, làm cho người dân mất quyền khởi kiện”
Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, “Luật này chỉ giải mã quy định của Hiến pháp” (giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân) tuy nhiên Bộ trưởng hứa “ sẽ rà soát thêm về phạm vi và các điều khác có liên quan”.
Cần có kinh phí ổn định cho hoạt động HGCS
Để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, Dự thảo Luật quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác HGCS.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên hành chính hóa hoạt động mang tính xã hội. “Hòa giải không nhất thiết phải theo trình tự, ấn định địa điểm, thời gian. Đặc biệt hòa giải viên là người hoạt động mang tính tự nguyện lại phải qua quy trình bầu bán”, ông Hiển nói và tỏ rõ không đồng tình với việc hòa giải viên được hưởng phụ cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tán thành, “hòa giải viên không nên bầu và hưởng lương. Hòa giải lấy cái tình là chính chứ nếu ăn lương mà đi làm thì mất đi ý nghĩa của hòa giải”.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình phải có chính sách bồi dưỡng cho hòa giải viên, nhưng ngân sách nhà nước nên hỗ trợ theo vụ việc chứ không phải trả lương hàng tháng. Phó Chủ tịch cũng lưu ý các quy định của Luật cần phải mềm dẻo, linh hoạt hơn, không nên quá nặng về thủ tục hành chính.
Tiếp thu ý kiến TVQH, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói rõ hơn: vấn đề kinh phí cho HGCS hiện đã có thông tư của Bộ Tài chính. Tuy nhiên thực tế nơi nào ngân sách dồi dào thì đầu tư tốt, hiệu quả. Những tỉnh thu không đủ chi thì hoạt động hòa giải rất khó khăn.
Do vậy, Chính phủ mong muốn Luật này quy định rõ ngoài hỗ trợ về văn phòng phẩm, tài liệu, bồi dưỡng kiến thức… thì có cơ chế pháp lý hỗ trợ để bảo đảm cho tỉnh thu không đủ chi có nguồn bố trí kinh phí cho hoạt động hòa giải. Bộ trưởng cũng “xin rút” quy định thù lao hàng tháng cho tổ trưởng tổ hòa giải.
Dự án Luật HGCS sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư khai mạc tháng 10 tới đây.
Bình An