[links()] Phát biểu tại Hội nghị triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí và tái cấu trúc DN theo Nghị quyết 01/NQ-CP , Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn khẳng định, một trong những biện pháp tiết giảm chi phí là tính toán, phân tích kỹ lưỡng hiệu quả các dự án đầu tư, có kế hoạch điều chỉnh, cắt giảm các dự án để trước mắt chỉ tập trung đầu tư dự án phục vụ trực tiếp cho sản xuất, các dự án quyết định tăng trưởng của tập đoàn, đơn vị...
Các đơn vị sản xuất than tiết giảm chi phí để phấn đấu tăng 5-10% lợi nhuận. Ảnh minh họa |
Càng khó khăn - càng tiết kiệm
Theo ông Chuẩn, trước những thách thức do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, lãi vay, giá cả đầu vào, các khoản thuế trong giá thành tăng cao; trong năm 2012, Tập đoàn đã cân đối giao kế hoạch tiết giảm chi phí cho các đơn vị sản xuất than.
Cụ thể, so với định mức, đơn giá công đoạn tổng hợp, Tập đoàn và các đơn vị thành viên cam kết tiết kiệm điện năng 10%, tiết giảm định mức chi phí quản lý, chi phí chung 8%, nhiên liệu 1,5%, tăng năng suất lao động 5%; tiết giảm các chi phí khác để tăng lợi nhuận cho đầu tư phát triển. Tại các công ty kho vận và yuyển than cân đối tiết kiệm -5% tổng chi phí biến đổi... Theo ông Chuẩn, không đợi đến khi có Nghị quyết 01/NQ-CP, TKV đã có kế hoạch tiết kiệm 736 tỷ đồng chi phí quản lý.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 01/NQ của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tải chính, các đơn vị đã nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý và các chi phí khác nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả SXKD. Cụ thể, các đơn vị sản xuất than tiếp tục tiết kiệm chi phí để phấn đầu tăng 5- 10% lợi nhận so với lợi nhuận kế hoạch đã giao; các đơn vị SXKD khác thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5- 10% so kế hoạch đã giao. Như vậy, tổng chi phí yêu cầu tiết kiệm bổ sung là 250 tỷ đồng, đưa tổng chi phí tiết kiệm trong năm 2012 lên 986 tỷ đồng.
Tối ưu hóa dòng vốn
Ngoài các biện pháp chung đã được triển khai để thực hiện kế hoạch chi phí giao khoán năm 2012, TKV sẽ tính toán, phân tích kỹ lưỡng hiệu quả các dự án đầu tư, có kế hoạch điều chỉnh, cắt giảm các dự án để trước mắt chỉ tập trung đầu tư các dự án phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Cụ thể, quản lý chặt chẽ từ quá trình chuẩn bị đầu tư để lựa chọn phương án đầu tư, thiết bị đầu tư tiết kiệm nhất, đảm bảo hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư để sớm đưa vào họat động, tiết kiệm chi phí lãi vay.
Mặt khác, tìm hướng huy động vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư một cách hiệu quả; đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh thông qua các giải pháp vay, trái phiếu, thuê mua, thuê gia công, thuê hoạt động v.v...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu lưu ý tiết giảm chi phí là công việc thường xuyên của bất cứ DN nào muốn tốn tại. Thứ trưởng Hiếu cũng lưu ý, so với các tập đoàn kinh tế khác, áp lực cạnh tranh trên thị trường đối với TKV là không nhiều nên dễ xuất hiện tình trạng độc quyền. Hiện Chính phủ đã lên lộ trình “thị trường hóa” than, điện và xăng dầu nên TKV phải xây dựng kịch bản và lộ trình cụ thể ...
Đẩy nhanh tiến trình thoái vốn Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn tại các lĩnh vực ngoài SXKD, trong năm 2012 TKV sẽ làm thủ tục thoái vốn tại 4 công ty với tổng giá trị 216,8 tỷ đồng, gồm: Cty CP Bảo hiểm hàng không (TKV tham gia 50 tỷ đồng, chiếm 10%); Cty CP đường cao tốc BECD (Trung Lương- Cần Thơ, TKV tham gia 10,5 tỷ đòng, chiếm 10%); Cty CP khu kinh tế Hà Hải (TKV tham gia 47,8 tỷ đồng, chiếm 0,1%); Quỹ đầu tư Việt Nam (TKV tham gia 48 tỷ đồng) |
Thanh Lan