Tham dự tọa đàm có ông Trần Hoàng Hưng, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Đặng Vũ Huân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Luật học…
Quang cảnh tọa đàm. |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã biên tập, xuất bản và phát hành 6 số Tạp chí kỳ I 90 trang và 6 số Tạp chí kỳ II 64 trang phản ánh những mặt công tác pháp luật, tư pháp trọng tâm của Bộ, Ngành, trong đó, Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết về góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên các ấn phẩm. Đặc biệt, Tạp chí đã phối hợp với Vụ Pháp luật quốc tế biên soạn và phát hành số chuyên đề “Dấu ấn 10 năm Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế” để nhìn lại hành trình 10 năm Việt Nam là thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, những chuyển biến về nhận thức, nhân sự; sự tham gia của Việt Nam vào các công ước và kết quả đạt được cũng như những thách thức mà Việt Nam đã, đang gặp phải trong hành trình này.
Phát biểu dẫn đề tại tọa đàm, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Trần Hoàng Hưng nêu rõ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin và là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Trần Hoàng Hưng phát biểu dẫn đề. |
Trước những yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Trần Hoàng Hưng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để đưa Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ngày càng phát triển hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao những kết quả Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ tại toạ đàm. |
Để phát huy hơn nữa những thế mạnh của Tạp chí, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy gợi ý, Tạp chí có thể phát triển theo hướng mở với hai định hướng chính là xây dựng và thực thi pháp luật; với thế mạnh là cơ quan ngôn luận hàng đầu cả nước nghiên cứu, trao đổi Tạp chí cần phân tích sâu hơn nữa, mở rộng hơn nữa các khía cạnh xây dựng và thực thi pháp luật…
Về tầm quan trọng của tạp chí điện tử, TS Lê Ngọc Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đánh giá: “Nền tảng công nghệ đóng vai trò cốt lõi. Trong việc phát triển một tạp chí điện tử, nền tảng công nghệ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo dung lượng đủ lớn và quản lý hiệu quả nội dung. Đầu tiên, chúng ta cần đảm bảo rằng nền tảng công nghệ có khả năng lưu trữ đủ lớn để đáp ứng nhu cầu lưu trữ và phát triển nội dung. Việc quản lý và lưu trữ các bài viết, hình ảnh, video và tài liệu liên quan khác là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính liên tục và tin cậy của tạp chí điện tử.”
TS. Lê Ngọc Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội phát biểu |
Đồng thời, tạp chí điện tử cần được thiết kế tiện dụng và dễ sử dụng. Người dùng, bao gồm cả độc giả và cán bộ biên tập, cần có trải nghiệm sử dụng thuận tiện và không gặp khó khăn trong việc truy cập, đọc và tương tác với nội dung; nắm bắt và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả và cạnh tranh trong thị trường trực tuyến.
Để đạt được mục tiêu trên, theo TS. Lê Ngọc Ánh, Tạp chí cần phải xác định rõ nhiệm vụ từng phòng ban; liên tục đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn và nghiệp vụ, đặc biệt là phóng viên chuyên sâu về từng mảng, lĩnh vực cụ thể; tạo giá trị cho nội dung từng bài viết…
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều giải pháp để tiếp tục phát huy thế mạnh của Tạp chí trong thời gian tới.