Trở thành công cụ pháp lý quan trọng
Luật TNBTCNN năm 2009 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Trong 10 năm qua, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Bốn, hoạt động của Cục Bồi thường nhà nước; công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước…đạt được những kết quả tích cực.
Qua đó, Luật TNBTCNN đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng của hoạt động bộ máy Nhà nước nói chung.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước chia sẻ tại Tọa đàm |
Đặc biệt, cũng theo ông Nguyễn Văn Bốn, kết quả thi hành Luật TNBTCNN trong thời gian qua đã khẳng định Luật TNBTCNN đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người quyền công dân, là công cụ pháp lý góp phần bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội nói chung và của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại nói riêng; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ công chức các cơ quan nhà nước; tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của các cơ quan nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước.
Bên cạnh đó, sau 10 năm thực hiện Luật TNBTCNN, nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, đối với đội ngũ công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước, thông qua hoạt động triển khai thi hành Luật TNBTCNN, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ở trung ương cũng như địa phương, nhận thức về quy định của Luật TNBTCNN 2009, Luật TNBTCNN 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành được nâng cao; thái độ của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ công chức đối với công tác bồi thường nhà nước cũng có sự thay đổi rõ rệt “chuyển từ bị động sang chủ động, chuyển từ tránh né sang đối diện trực tiếp”.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nói chung, Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có tác động tích cực tới ý thức thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước, Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn cho biết cần tổ chức tốt việc thi hành Luật TNBTCNN năm 2017; tiếp tục tổng hợp, đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện thể chế về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp và tinh gọn bộ máy…
Trong giai đoạn 2021-2026, Cục Bồi thường nhà nước sẽ sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp phù hợp với khối lượng, tính chất công việc, phù hợp với yêu cầu đặt ra trong thực tế của giai đoạn này, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm bảo đảm sự tinh gọn, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp công ngành Tư pháp.
Chú trọng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị
Về công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai và Cục Bồi thường nhà nước trong quá trình triển khai, thi hành Luật, bà Nguyễn Thị Thuý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai đã nhận được sự hỗ trợ về nghiệp vụ cũng như tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức toàn tỉnh trong thi hành công vụ đã được thực hiện “cân nhắc, cẩn thận và nghiêm túc hơn”. Hàng năm, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai thực hiện xây dựng Kế hoạch năm, chế độ thông tin, báo cáo về kết quả thực hiện công tác bồi thường Nhà nước gửi Cục Bồi thường nhà nước theo đúng quy định.
Bà Nguyễn Thị Thuý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đánh giá cao công tác phối hợp giữa Cục BTNN và Sở Tư pháp |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình triển khai tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Do trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường nên công tác phối hợp chỉ dừng lại ở một số hoạt động như báo cáo, thống kê, cung cấp thông tin; đội ngũ công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh đa số là kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm cũng như chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ, do vậy chưa có đề xuất tham mưu tích cực hơn về quản lý nhà nước trong công tác BTNN. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đôi lúc còn chưa kịp thời nhất là khi thực hiện báo cáo theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bồi thường nhà nước tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thuý cho rằng cần bố trí nguồn lực, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017; các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các kế hoạch chung của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường, chú trọng phối hợp giữa các đơn vị thực hiện quản lý nhà nước và giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự; tăng cường theo dõi, đôn đốc để nắm tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường khi có phát sinh; tăng cường công tác kiểm tra và theo dõi việc chấp hành các kết luận kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.…