Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Tư pháp nhấn mạnh, đây là một hội nghị rất quan trọng nhằm sơ kết 4 năm của hoạt động đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ. Theo đó, TS Nguyễn Xuân Thu bày tỏ mong muốn thông qua hội nghị sơ kết có thể nhìn nhận lại những thành công đã đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên tất cả những lĩnh vực có liên quan như xây dựng chương trình; xây dựng đội ngũ giảng viên, cũng như biên soạn giáo trình và hệ thống tình huống; công tác đào tạo, tuyển sinh… Để từ đó có thể tìm ra những giải pháp để nâng cao hơn nữa hoạt động đào tạo nghề luật sư trong thời gian tới.
TS Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị về hoạt động đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ, hiện nay, chương trình đào tạo nghề luật sư hiện nay có tổng thời lượng 39 tín chỉ được thiết kế theo chuẩn đầu ra với các khối kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp rõ ràng. Sau hơn 04 năm, Học viện Tư pháp đã tuyển sinh được 04 khoá đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ với tổng số 12.392 học viên được đào tạo, trong đó có 03 khoá đào tạo nghề luật sư chất lượng cao với 120 học viên (chiếm tỷ lệ 27,64% tổng số học viên đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp từ khi thành lập đến nay), trong đó có 7.482 học viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ (chiếm tỷ lệ 20,54% tổng số học viên đào tạo nghề luật sư đã tốt nghiệp). Kết quả này đã tạo nguồn nhân lực tốt để hình thành đội ngũ luật sư của đất nước, tạo cơ hội tốt để người có nhu cầu học dễ dàng tham gia, giải quyết tốt tình trạng khó khăn trong thiếu hụt nguồn nhân lực, phát triển nghề luật sư ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế về sự phân định đối tượng cũng như chất lượng đầu vào không đồng đều người học của chương trình; hiệu quả hoạt động đào tạo chưa cao như kỳ vọng, hệ thống học liệu phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập vẫn còn hạn chế nhất là khi phải tổ chức đào tạo trực tuyến; chưa có sự gắn kết thực sự giữa giai đoạn đào tạo ban đầu tại Học viện Tư pháp với giai đoạn tập sự hành nghề tại các tổ chức hành nghề và kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề của Liên đoàn Luật sư Việt nam.
Các đại biểu tham dự dưới hình thức trực tuyến |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân của sự tồn tại là do đào tạo theo hệ thống tín chỉ là vấn đề rất mới đối với Học viện Tư pháp trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bộ trợ tư pháp, vừa làm vừa hoàn thiện, học viên vẫn bị động, chưa có sự chủ động trong học tập, còn hạn chế trong sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo; nguồn lực đầu tư để triển khai thực hiện chương trình còn hạn chế; thể chế pháp lý về đào tạo nghề luật sư chưa có những quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia khoá đào tạo nghề, chưa có sự gắn kết giữa đào tạo ban đầu tại cơ sở đào tạo với tổ chức hành nghề và chưa có quy định cụ thể kiểm tra, giám sát mục tiêu quá trình tập sự hành nghề.
Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp được đưa ra để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo nghề luật sư như: tiếp tục công tác phát triển đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nhằm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học, bổ sung những nội dung mới phát sinh trong thực tiễn hành nghề luật sư mà chương trình còn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động đào tạo luật sư ... Đồng thời, cần sớm sửa đổi, bổ sung Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ theo hướng nâng chuẩn đầu ra đối với người học và sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Luật sư và những văn bản pháp luật khác có liên quan hoặc ban hành Thông tư quy định hướng dẫn về đào tạo và tập sự hành nghề luật sư…