Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác xuất bản của Nhà xuất bản thời gian qua đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Các ấn phẩm của Nhà xuất bản đều bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng tôn chỉ, mục đích đồng thời bảo đảm hình thức ấn phẩm phong phú, đa dạng đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác, bạn đọc trong cả nước, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2023. Thương hiệu của Nhà xuất bản Tư pháp ngày càng củng cố, phát triển và tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả.
Công tác xuất bản, in, phát hành của Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục được giữ ổn định. Doanh thu đạt được gần 40 tỷ đồng, cao hơn 10% so với chỉ tiêu doanh thu Bộ giao năm 2023, hoạt động kinh doanh vẫn bảo đảm có lãi và hiệu quả. Nhà xuất bản tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Bộ Tư pháp giao về in và phát hành giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch cho các cơ quan Tư pháp địa phương.
Đặc biệt, năm 2023, Nhà xuất bản đã hoàn thành xuất bản 314 xuất bản phẩm, trong đó có 229 xuất bản phẩm sách và tài liệu dạng sách với 526.052 bản in, tăng 59% so với năm 2022. Ngoài ra, năm 2023, Nhà xuất bản Tư pháp đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp Giấy phép phát hành xuất bản phẩm điện tử; xuất bản, phát hành sách điện tử của Nhà xuất bản Tư pháp đã được đăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử Ebook365.vn. Công tác giới thiệu sách trên môi trường mạng đã được Nhà xuất bản Tư pháp quan tâm, cập nhật thông tin, một số xuất bản phẩm hay đã được dịch nội dung cơ bản sang tiếng nước ngoài để từng bước tiếp cận với bạn đọc ngoài nước.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Năm 2023, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã quyết định công nhận Nhà xuất bản Tư pháp là nhà xuất bản quốc gia có uy tín trong lĩnh vực Luật học. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nhà xuất bản Tư pháp được vinh danh là nhà xuất bản quốc gia có uy tín. Đây chính là sự ghi nhận, đánh giá khách quan của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, của giới khoa học, nghiên cứu nước ta đối với chất lượng các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín mà Nhà xuất bản đã dày công vun đắp, xây dựng trong thời gian qua với thể loại các xuất bản phẩm thuộc lĩnh vực pháp luật, lý luận, chính trị.
Trên tinh thần chia sẻ, động viên và góp ý chân thành, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những ý kiến đóng góp hết sức quý giá đối với Nhà xuất bản, đặc biệt là phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của đơn vị trong năm 2024.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể công chức, viên chức, người lao động Nhà xuất bản Tư pháp. Đồng thời đề nghị Nhà xuất bản trao đổi, báo cáo Lãnh đạo Bộ về việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết và bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác xuất bản sách điện tử, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc và phù hợp với xu thế phát triển chung của thị trường; phối hợp chặt chẽ với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật để xây dựng sách, tài liệu để tuyên truyền, phổ biến tới cấp cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, quan hệ khách hàng, mở rộng thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận Hội nghị. |
Thứ trưởng cũng đề nghị Nhà xuất bản cần nỗ lực nhiều hơn nữa, phải có đột phá, chủ động, dám nghĩ dám làm trong triển khai công tác xuất bản thời gian tới. Qua đó định vị rõ vai trò của Nhà xuất bản trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền; định vị và xây dựng Kế hoạch chương trình hành động cụ thể để xây dựng các mục tiêu đề án, mô hình tổ chức, đề án sách lý luận chính trị; tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống sách chuyên đề về Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới…
Bên cạnh đó, phải xác định và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ phát hành giấy tờ, sổ hộ tịch... sang xuất bản, phát hành sách pháp luật; luôn cập nhật, đổi mới nội dung, hình thức, nghiên cứu xây dựng, hình thành hệ sinh thái sách pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc...