Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Ngô Quỳnh Hoa nêu rõ, trong những năm qua, công tác PBGDPL đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên. Thể chế, chính sách về PBGDPL từng bước được hoàn thiện. Hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã có chuyển biến rõ rệt; quyền con người, quyền công dân được bảo đảm. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, hướng dẫn và định hướng đổi mới cách thức tổ chức, nội dung, hình thức
Mặc dù vậy, công tác PBGDPL vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa nghiêm túc. Báo cáo về kết quả công tác PBGDPL của một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn mang tính hình thức, thống kê các hoạt động đã triển khai mà chưa đánh giá, đo lường được mức độ hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác PBGDPL chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn là hiện nay chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả, toàn diện công tác này ở các cấp bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là sự đánh giá, đo lường được mức độ chuyển biến trong nhận thức, ý thức, hành vi của người dân và xã hội khi sau khi được PBGDPL.
Để khắc phục tính hình thức trong công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án “Đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” theo hướng: Trước hết nghiên cứu xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí khung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; trên cơ sở này, các bộ, địa phương thí điểm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc; TP Hà Nội, tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa, Kiên Giang) sẽ cụ thể hóa các tiêu chí để bảo đảm phù hợp lĩnh vực pháp luật được phổ biến và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, thực tiễn tại địa phương. Tiếp theo, tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm trên 2 nhóm yếu tố chính là tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; đánh giá sự tác động của công tác PBGDPL đối với sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Về thời gian thực hiện Đề án từ năm 2022 – 2025.
Bà Phạm Thuý Hạnh phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, bà Phạm Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, thành viên Ban soạn thảo nêu rõ, cần làm rõ hơn nữa về phân bố thời gian triển khai, thực hiện Đề án để bảo bảo tính phù hợp và khả thi của Đề án. Về bộ tiêu chí khung bà Phạm Thuý Hạnh đề xuất 2 phương án, phương án 1, yêu cầu rõ về các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật làm cơ sở cho bộ, ngành, địa phương. Phương án 2, giao cho Bộ Tư pháp ban hành khung tiêu chí chung.
GS.TS Nguyễn Minh Đoan trao đổi tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Đoan, Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề đánh giá nói chung, vấn đề đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL nói riêng là việc làm rất khó. Bởi lẽ chủ thể và đối tượng của công tác này rất phức tạp, vậy nên việc xây dựng Bộ khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL là rất cần thiết. Theo đó, GS.TS Nguyễn Minh Đoan nêu rõ, Bộ khung tiêu chí đánh giá chung cần có 3 nội dung chính là mục đích; kết quả; chi phí cho việc đạt kết quả (bao gồm chi phí của nhà nước và chi phí của người dân bỏ ra để có được kết quả).
Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Nguyễn Duy Lãm. |
Về mục tiêu của đề án, ông Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nêu rõ, thay vì nêu rõ thời gian năm 2022 – 2023, nghiên cứu, khảo sát, ban hành Bộ tiêu chí khung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; năm 2023-2024, tổ chức triển khai đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương... thì chỉ cần đề ra các mục tiêu chung như: thứ nhất, ban hành bộ tiêu chí khung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, thứ hai là đánh giá kết quả thí điểm, đề xuất hoàn thiện thể chế về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các nội dung về mục tiêu và cách tiếp cận trong dự thảo Đề án; các cơ quan thực hiện thí điểm đề xuất trong dự thảo Đề án; các quy định về Bộ khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trong Đề án; giải quyết vấn đề giữa Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; chi phí thực hiện và thời gian triển khai thí điểm đề án.
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời, đánh giá cao chất lượng các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Đề án. Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, thời gian tới, ông Lê Vệ Quốc yêu cầu Ban ban soạn thảo cần làm rõ hơn nữa về định hướng đổi mới của Đề án; thứ hai cần làm rõ về thời gian triển khai, cơ chế thực hiện thí điểm một cách phù hợp nhất để đảm bảo tính khả thi đề án.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc phát biểu kết luận. |
Về mặt nội dung, ông Lê Vệ Quốc yêu cầu cần đặt ra những định hướng, yêu cầu cụ thể cho nội dung của Bộ khung tiêu chí để sau khi ban hành có định hướng cho việc thực hiện. Ngoài ra, Ban soạn thảo cố gắng có những thông tin cụ thể liên quan đến tình hình triển khai Thông tư số 03 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để Thủ tướng có cái nhìn tổng thể về thực tiễn triển khai, thấy rõ việc cần thiết đổi mới và ban hành ”Đề án đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” là yêu cầu thực tiễn.