Trước đây, khi nói đến các vụ án hành chính, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh “Con kiến kiện củ khoai”. Nhưng với việc ban hành Luật Tố tụng hành chính (TTHC), mọi chuyện đã thay đổi...
Học hỏi kinh nghiệm nước ngoài
Luật Tố tụng hành chính (TTHC) vừa được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2010) là “một cuộc cách mạng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ), tăng cường quyền dân chủ của công dân và trách nhiệm của Nhà nước” – như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá.
Tuy nhiên, việc thực thi đạo luật quan trọng này sẽ còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quá trình hoàn thiện pháp luật, xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta.
Do đó, thực tiễn thực hiện các qui định về TTHC của các nước sẽ là những kinh nghiệm rất hữu ích để Việt Nam có thể phát huy hiệu quả của các qui định trong Luật TTHC.
Một số kinh nghiệm ban đầu đã được trao đổi giữa các chuyên gia đến từ Tòa án hành chính Liên bang Đức và Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC Việt Nam xung quanh các vấn đề về hệ thống tài pháp hành chính chung và hệ thống Luật TTHC của Đức, tổ chức Tòa án hành chính và địa vị pháp lý của các thẩm phán tại Tòa án hành chính, quyền khởi kiện, vai trò của VKS trong TTHC, phán quyết, kháng cáo trong TTHC… Cơ chế đảm bảo thi hành phán quyết của TAHC Một trong những vấn đề mà các chuyên gia đánh giá là rất quan trọng để Luật TTHC có thể được thực thi hiệu quả là thực hiện tốt cơ chế đảm bảo thi hành phán quyết của TAHC. Theo ông Trương Khánh Hoàn (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp), để đảm bảo thi hành phán quyết của TAHC cần nhiều yếu tố khác nhau như thi hành phán quyết của TAHC, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bằng các chế tài kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự... “Đây chính là cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định của TAHC”, ông Hoàn nói. Trước khi có Luật TTHC, công tác quản lý Nhà nước về thi hành bản án hành chính theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính vẫn còn chung chung, chưa có qui định cụ thể về THA hành chính và hướng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong quá trình tiến hành THA hành chính, cũng như theo dõi, đôn đốc việc thi hành của bản án hành chính. Khắc phục tình trạng này, Luật TTHC đã được bổ sung nhiều qui định mới so với Pháp lệnh để xây dựng cơ chế bảo đảm THA hành chính chặt chẽ, cụ thể. Theo đó, trong trường hợp người khởi kiện bị thua thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính bị kiện sẽ tự tổ chức thi hành quyết định hành chính và tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của mình theo qui định của pháp luật. Bên cạnh đó, Luật cũng bảo đảm THA hành chính bằng cơ chế quản lý Nhà nước về THA với qui định giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THA hành chính; cơ chế kiểm sát THA của VKS. Đồng thời giao việc theo dõi, đôn đốc THA hành chính cho cơ quan THADS. Với các qui định của pháp luật làm cơ cở pháp lý, các chuyên gia cũng nhận thấy, để nâng cao hiệu quả THA hành chính cần nâng cao chất lượng xét xử đối với các vụ án về hành chính, tống đạt kịp thời các bản án, quyết định do mình xét xử kịp thời, bảo đảm thời gian cho các bên thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị… Phó Chánh án Tòa án hành chính CHLB Đức Michael Hund: “Đạo luật này là một tiến bộ vượt bậc” Đánh giá tích cực đối việc Việt Nam ban hành Luật TTHC, Phó Chánh án Tòa án Hành chính CHLB Đức Michael Hund cho rằng, mặc dù không thể đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho các đồng nghiệp Việt Nam về việc thực thi Luật TTHC, nhưng hy vọng, với những kinh nghiệm thực tiễn của Đức, các chuyên gia Việt Nam có thể rút ra một số kết luận phù hợp. - Qua nghiên cứu Luật TTHC của VN, theo ông, để có tiếp cận với hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật của thế giới thì VN cần bổ sung gì cho phù hợp? - Theo chúng tôi được biết, với Luật TTHC mới thì Việt Nam đã chuyển từ liệt kê các việc được áp dụng Luật sang phương pháp “loại trừ”. Đấy cũng là một nguyên tắc mà chúng tôi áp dụng tại Đức. Theo tôi, đó là sự gia tăng rất lớn quyền của người dân đối với Nhà nước. Ở Đức thì còn ít hạn chế hơn nữa. Nhưng Luật TTHC mới của VN thực sự là một sự tiến bộ vượt bậc . Ở Đức việc bảo vệ quyền lợi của dân trước cơ quan Nhà nước bằng Tòa án hành chính được coi là “viên gạch” cuối cùng trên “tòa nhà” về pháp lý của đất nước pháp quyền. Điều này có nghĩa là người dân phải kiện lại những hành vi hành chính mà họ cho là không đúng và các Tòa án hành chính cũng phải đảm bảo được quyền của người dân và bảo vệ người dân qua các quyết định của mình. Từ đó, theo tôi, quan trọng là phải mang thêm “sức sống” cho các qui định về vấn đề này. Về kinh nghiệm và thực tiễn của Đức tôi thấy cần phải nói một điều, việc vận dụng quyền được bảo vệ của người dân theo Luật TTHC cũng là để giải thích thêm về luật pháp, để người dân hiểu luật pháp được áp dụng như thế nào. Do vậy, Tòa án hành chính sẽ có hai chức năng: bảo vệ người dân trước những hành vi trái pháp luật của cơ quan NN và giải thích rõ ràng về việc vận dụng pháp luật. Tôi hy vọng Luật TTHC mới của Việt Nam sẽ được áp dụng theo đúng khuôn khổ đó. - Từ thực tiễn hoạt động xét xử của Đức, theo ông, đội ngũ thẩm phán Việt Nam nên được phát triển như thế nào để thực hiện hiệu quả Luật TTHC? - Một nhiệm vụ quan trọng là bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ thẩm phán. Ngoài ra, cũng rất tốt nếu các thẩm phán VN có thể trực tiếp được xem chu trình TTHC ở Đức. Trong quá trình xét xử tại tòa, các thẩm phán Đức sẽ trực tiếp trao đổi và tranh luận với các bên tham gia. Đó cũng có thể làm một mô hình mà Việt Nam có thể áp dụng. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam về vấn đề này và hy vọng sẽ sớm thực hiện được. - Trân trọng cảm ơn ông! Hương Giang (thực hiện)
Qua việc chuyển đổi từ liệt kê sang “loại trừ”, các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam có thể kiện các quyết định hay hành vi hành chính ra Tòa để bảo vệ quyền lợi của mình, trừ một số trường hợp đặc biệt được qui định loại trừ theo pháp luật.