Theo Nghị định số 08/2020/NĐ/CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, Công việc Thừa phát lại được làm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định và pháp luật có liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Nghị định cũng quy định những việc Thừa phát lại không được làm bao gồm: Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, gì.
Tại Hà Nội, đến nay đă có 8 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm). Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực. Số liệu của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 3 năm (từ 2018-2020), các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội đã lập gần 36 ngàn vi bằng. Đây là con số đã được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Trong 3 năm, 8 văn phòng đã tống đạt 225.614 ngàn văn bản của Tòa án; 3418 văn bản của cơ quan Thi hành án. Doanh thu trực tiếp tổ chức thi hành án là 393.746.000 đồng…Hoạt động của Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc phát triển các văn phòng thừa phát lại phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động của thừa phát lại trên địa bàn thành phố. Đồng thời bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do thừa phát lại cung cấp của tổ chức cá nhân, cũng như bảo đảm các điều kiện cần thiết để Văn phòng thừa phát lại phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội của các quận huyện thị xã trên địa bàn thành phố; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, mật độ dân cư ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng thừa phát lại để thành lập Văn phòng Thừa phát lại (UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triên Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP. Hà Nội). Theo đó, tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 Văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 Văn phòng Thừa phát lại.
Trong trường hợp có sự điều chỉnh về loại hình đơn vị hành chính cấp huyện (nâng cấp từ huyện thành quận) thì số lượng Văn phòng Thừa phát lại được điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp so với quy định.