Hiện nay, số lượng văn bản được tống đạt giữa các văn phòng ở Hà Nội không đồng đều, có những văn phòng tống đạt rất lớn như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông... nhưng có một số văn phòng con số văn bản tống đạt rất khiêm tốn. Việc tống đạt được thực hiện cho các Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Hoạt động tống đạt sau thời gian triển khai ở Hà Nội đã dần đi vào nền nếp, có chất lượng, góp phần giảm tải cho cơ quan tòa án, thi hành án dân sự.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp Hà Nội, đối với Tòa án, việc chuyển giao tống đạt văn bản cho Thừa phát lại thực hiện giúp cán bộ, công chức Tòa án dành nhiều thời gian tập trung cho công tác xét xử. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự, việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, giảm tải công việc để tập trung vào công tác tổ chức thi hành án.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều văn phòng thừa phát lại, khó khăn trong hoạt động tống đạt là văn bản tống đạt của thi hành án ghi địa chỉ số nhà hoặc số ngõ, tên phố không chính xác, không tồn tại trên thực tế, trong khi thời hạn mở phiên tòa rất gấp, nếu lập biên bản tống đạt không thành theo quy định bắt buộc phải có thành phần như tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực, tư pháp phường, xã. Do nhiều lý do khác nhau, một số người từ chối không xác nhận dẫn đến việc lập biên bản tống đạt không thành gặp khó khăn. Một số trường hợp thông tin về địa chỉ của đối tượng nhận tống đạt sai, không cụ thể gây khó khăn cho công tác xác minh địa chỉ người nhận tống đạt.
Còn một số cơ quan, chính quyền địa phương (nhất là xã, phường) chưa tạo điều kiện, phối hợp với Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ trong quá trình thực hiện tống đạt; việc thanh toán kinh phí tống đạt cho Thừa phát lại vẫn còn chậm…
Đáng chú ý, sau thời gian triển khai tại Hà Nội, đã xuất hiện thêm nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong việc tống đạt các văn bản, thông báo liên quan đến giao dịch, hợp đồng dân sự (thông báo đòi tiền, tài sản, thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng…) hoặc mang tính chất hành chính (thông báo của cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa…). Các tổ chức Trọng tài thương mại cũng có nhu cầu triệu dụng Thừa phát lại tống đạt các thông báo, quyết định của mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc tống đạt của Thừa phát lại vẫn dừng ở việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình thì nên mở rộng thêm việc dịch vụ tống đạt các văn bản cho các Cơ quan quản lý hành chính, và các cơ quan tư pháp khác (UBND, Cơ quan Thuế, VKSND…), kể cả cho các cơ quan, tổ chức khác và công dân khi có yêu cầu bởi “hiện nhu cầu này đang rất lớn trong đời sống xã hội”. Còn Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội thì đề nghị tăng phí tống đạt, bởi hiện nay, mức phí tống đạt còn thấp so với chi phí thực tế nên hoạt động tống đạt còn gặp nhiều khó khăn.
Văn phòng Thừa phát lại Thủ đô thì đề nghị, các UBND, Công an các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện, giúp đỡ Văn phòng Thừa phát lại hơn nữa trong việc thực hiện công việc của Thừa phát lại. Đề nghị xây dựng Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Thừa phát lại với Ủy ban nhân dân, Công an phường, xã, thị trấn để tạo điều kiện cho Thừa phát lại thực hiện công việc chuyên môn.
Các Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự cần giao nhiều văn bản tống đạt hơn nữa và không nên chỉ chọn một số loại văn bản có tính chất đặc thù giao cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt. Đồng thời Tòa án, cơ quan thi hành án hướng dẫn, hỗ trợ về các nghiệp vụ tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại.
Nhiều ý kiến cũng chung đề nghị ngoài việc tống đạt văn bản của cơ quan Tòa án và cơ quan thi hành án, nên mở rộng phạm vi tống đạt của Thừa phát lại theo hướng: Thừa phát lại được tống đạt văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự; thực hiện tống đạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp (Công ước La Hay 1965) và tống đạt văn bản của các cơ quan, tổ chức khác (cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp).