Tại ĐBSCL lũ về sớm so với mọi năm và là trận lũ lớn nhất từ năm 2014 đến nay. Còn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất.
Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, nhất là tại vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó.
Hiện nay, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên, mực nước cao nhất ngày 30 tháng 8 năm 2018 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,98m (dưới báo động 2 là 0,02m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,55m (trên báo động 2 là 0,05m).
Dự báo, ngày 05 tháng 9 năm 2018, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,15m, tại Châu Đốc ở mức 3,65m (trên báo động 2 là 0,15m), đến giữa tháng 9 năm 2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3, hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, những ngày vừa qua đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi gần 600mm; gây lũ lớn trên thượng nguồn sông Mã, đỉnh lũ tại Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vượt mức báo động 3 khoảng 2,05m, tương đương lũ lịch sử năm 2007, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin (nhất là thông tin về mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn) để dự báo sát diễn biến lũ ở ĐBSCL, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương có liên quan phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân. Trong đó tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm; rà soát lại phương án chủ động đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ;
Rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt để có các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tổ chức sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu;
Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch sớm các diện tích lúa Hè Thu đã chín, nhất là tại các khu vực thấp trũng, không có đê bao, bờ bao bảo vệ theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại;
Triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh như tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung an toàn, đưa đón học sinh trong mùa lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước;
Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân;
Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố xảy ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản (nhất là bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu), giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải tại vùng ngập lũ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh, nhất là tại vùng ngập lũ ĐBSCL.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống điện.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương phòng, chống lũ và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...