Phối hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Dấu ấn nổi bật trong thời gian qua đến từ việc hai bên đã phối hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Cũng trong giai đoạn này, hai bên ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực trong việc phát huy dân chủ, tham gia góp ý xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Báo cáo về một số nội dung trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đánh giá, thời gian qua, “hai bên ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực trong việc phát huy dân chủ, tham gia, góp ý xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…; triển khai các Kế hoạch, chương trình phối hợp giám sát đã thống nhất”.
Đối với nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ, hai bên sẽ tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Chung sức, đồng lòng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao và cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 suốt gần 2 năm qua.
Chính phủ trân trọng đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân vận Trung ương cùng sát cánh với Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng truyền thống của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trước mắt là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và an dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; tạo đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân.
MTTQ Việt Nam làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Chính phủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; tham gia kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; kịp thời cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, đồng thời phản bác các tin giả, xấu độc, nhất là về tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung của công tác dân vận chính quyền, tạo không gian rộng mở để người dân tham gia quyết định chính sách và thực hiện chính sách; đồng thời quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục phát huy những mô hình, cách làm hay, những mô hình "Dân vận khéo", tạo sức lan tỏa, nhất là trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay.
Về 19 đề xuất, kiến nghị của MTTQ Việt Nam, Thủ tướng cho biết có 11/19 kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành và đang được triển khai. Thủ tướng đã giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý và có văn bản trả lời Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước ngày 30/10/2021; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, số kinh phí và hiện vật ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương cùng các tổ chức thành viên và qua Quỹ vaccine phòng COVID-19 lên tới trên 18.246 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 9.554 tỷ đồng, qua Quỹ vaccine là 8.692 tỷ đồng.
Trong công tác phối hợp tập hợp, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam đã phối hợp tập hợp được 34.125 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương quan tâm lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo xử lý, giải quyết các ý kiến của Mặt trận phản ánh về tình hình nhân dân thấu đáo, trách nhiệm.