Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh có nhiều cố gắng và có một số bước thành công. Với cây sâm Ngọc Linh, được coi là quốc bảo của Việt Nam, đã có doanh nghiệp lớn tham gia phát triển với cách làm lớn.
Cho rằng Kon Tum có nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng theo Thủ tướng, tỉnh phát triển dưới tiềm năng, nhất là thu nhập bình quân đầu người còn thấp (năm 2017 đạt 34,77 triệu đồng/người/năm). “Nếu chúng ta không phấn đấu quyết liệt, chúng ta sẽ tụt hậu”, Thủ tướng nói.
Phát triển doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (hiện có trên 2.600 doanh nghiệp, tỉ lệ 187 người dân/doanh nghiệp, thấp hơn trung bình cả nước - 150 người dân/doanh nghiệp). Chỉ số PCI cấp tỉnh mặc dù điểm số có cải thiện, nhưng còn thấp, thậm chí tụt hạng.
Thủ tướng nhận định Kon Tum có nhiều tiềm năng, lợi thế |
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum “chọn một số việc để thúc đẩy ra tấm ra món”. Tìm nguồn lực giải quyết một số công việc để bảo đảm chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Cần quan tâm xử lý các vấn đề xã hội, nhất là giáo dục, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc; cùng Trung ương xử lý tốt vấn đề đất đai, không để thành điểm nóng.
Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần tập trung vào 4 trụ cột phát triển. Đó là phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất rừng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, một hướng đi quan trọng khi Kon Tum có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn.
Các trụ cột nữa là phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, đa chức năng, đặc biệt là phát triển cây sâm Ngọc Linh; phát triển công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp ở phân khúc cấp cao; phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch. Tỉnh cần chú ý động lực tăng trưởng là thể chế.
Đối với các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng cơ bản nhất trí với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển hơn nữa