Thủ tướng chung vui ngày hội đến trường với học sinh dân tộc Tây Nguyên

Giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tại xã Đăk Hà chào đón Thủ tướng về dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019
Giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tại xã Đăk Hà chào đón Thủ tướng về dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019
(PLO) - Sáng nay (5/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai giảng năm học mới của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tại xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông - huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, nơi được ví von là “cổng trời” tại Tây Nguyên.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng bày tỏ xúc động về dự buổi lễ tại vùng xa xôi khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum. “Tôi được biết trong những ngày nghỉ vừa qua các thầy giáo, cô giáo, các phụ huynh đã không nghỉ mà lo dọn dẹp trường lớp sạch sẽ để tổ chức buổi khai giảng chu đáo hôm nay”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các em học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, thiên tai... những tình cảm thân thương nhất. Thủ tướng bày tỏ, sự nghiệp giáo dục, phát triển đất nước là sự nghiệp chung của 54 dân tộc anh em. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh, thế hệ trẻ, các dân tộc thiểu số để các dân tộc anh em cùng sánh vai, đoàn kết, cùng phát triển ở mọi vùng miền.

Đọc lại một đoạn trong thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Gia Lai năm 1946: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ gìn quyền tự do, độc lập của chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ, đối với các em, thế hệ hôm nay, lời dạy đó còn nguyên giá trị.

Thủ tướng cho biết, cả nước hiện có 319 trường dân tộc nội trú, trong đó, ở Kon Tum có trường dân tộc nội trú tỉnh và tất cả các huyện. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em vùng sâu vùng xa để các em có điều kiện phát triển trong tương lai. “Chúng ta hiểu điều này để chúng ta phấn đấu, rèn luyện tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân, của thầy cô giáo”.

Thủ tướng cũng biểu dương, năm qua, tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đến lớp đầy đủ của trường đạt 98%. Năm học qua, trường có 98,7% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Hai học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 và 30% học sinh được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai giảng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai giảng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục đào tạo của tỉnh tiếp tục triển khai tốt nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục-đào tạo, thực hiện chuyển giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang giáo dục toàn diện, chú trọng phẩm chất và năng lực. Điều này phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến phương pháp, kỹ năng của người thầy trong vai trò mới là dẫn dắt, hướng dẫn học sinh. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, mang lại niềm cảm hứng học tập cũng như những kỹ năng cần thiết để chúng ta phấn đấu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không có cơ hội học tập.

Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum cần bảo đảm đủ số lượng và chất lượng giáo viên.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhắc lại phát biểu trước Quốc hội khi ông nhậm chức: Hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo lớp trẻ. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa. Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo, đồng bào dân tộc đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.

Nhắc đến một tấm gương người Ê Đê tại huyện Tu Mơ Rông đã trở thành tiến sĩ, Thủ tướng mong muốn các em học sinh phải có hoài bão, học tập để trở thành tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, công nhân lành nghề, làm thầy giáo, cô giáo, hay làm người nông dân xuất sắc...

Tại mảnh đất có cây sâm Ngọc Linh quý hiếm này Thủ tướng cho rằng chính các em học sinh mới là hạt giống quý báu nhất mà các thầy cô giáo, nhà trường đang ngày đêm vun trồng.

Thủ tướng đánh trống khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đánh trống khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh bảo đảm điều kiện học tập, trước hết là sách giáo khoa, cho các em. Tăng cường trang bị dạy học, chứ không phải học chay, dạy chay. Tạo môi trường an toàn lành mạnh, thân thiện trong trường và ngoài xã hội. Bảo đảm đinh dưỡng cho các cháu, quản lý tốt bếp ăn. Nâng cao thể lực cho các em học sinh ngay tại nhà trường. Quan tâm bảo đảm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm thầy cô giáo và học sinh.

Thủ tướng trao quà cho các em học sinh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng trao quà cho các em học sinh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp khai giảng, Thủ tướng trao tặng 500 bộ sách giáo khoa cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.