“Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” là hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” ra mắt các nền tảng chuyển đổi số trong năm 2020, được tổ chức theo format mới. Theo đó, bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức một cuộc tranh biện. Các bên tham gia sự kiện sẽ được đặt câu hỏi, thể hiện thẳng thắn các góc nhìn đa chiều về nền tảng và cuối phiên mọi người sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Vietnam được chọn giới thiệu.
Phương châm của chuyển đổi số năm 2021 là chủ động đi tìm và giải quyết các vấn đề, thách thức của xã hội. Và đây cũng sẽ là kim chỉ nam của diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam”, theo đó, các nền tảng được lựa chọn ra mắt trong khuôn khổ diễn đàn sẽ phải là những sản phẩm được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh đi giải những nỗi đau đó bằng công nghệ số.
Sáng nay – 16/4, diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam” giới thiệu nền tảng họp trực tuyến eMeeting.
Diễn giả Vũ Ngọc Sơn giới thiệu nền tảng họp trực tuyến eMeeting. |
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói: “Nếu như ở tuần trước tôi đã nói về sự Đồng cảm như là một điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tìm và giải quyết được nỗi đau cho xã hội, thì tuần này, nhân câu chuyện về eMeeting mà chúng ta được nghe ngày hôm nay, tôi xin phép được nói về một điều kiện nữa mà doanh nghiệp cần có để cùng Bộ Thông tin và Truyền thông hiện thực hoá mục tiêu chuyển đổi số quốc gia - đó là Khát vọng”.
Cho rằng “những mục tiêu lớn, hoài bão lớn luôn bắt nguồn từ khát vọng”, Thứ trưởng Dũng cho rằng, mục tiêu lớn thay đổi vận mệnh của cả một đất nước thì sẽ cần khát vọng của cả một dân tộc, và chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số chính là một mục tiêu như thế.
Theo ông Dũng, nền tảng eMeeting của AIC và BKAV là một sản phẩm mang nhiều khát vọng. “Đó là khát vọng làm chủ công nghệ, và vượt qua cái bóng của những ông lớn công nghệ trên thế giới”, ông nói.
“Đã có nhiều quan ngại trước sự thất thế trên sân nhà của các giải pháp họp trực tuyến Make in Việt Nam so với những Zoom, Microsoft Team,… Việc eMeeting được ra mắt ngày hôm nay là lời khẳng định mạnh mẽ rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bỏ cuộc, và dám đón nhận các thử thách để khát vọng Make in Viet Nam sẽ thành hiện thực. Vì cơ hội thực sự chỉ đến với ai dám đón nhận những thử thách mới, nếu bạn không dám mạo hiểm với những điều không bình thường, bạn sẽ mãi chôn chân với những điều bình thường”, ông Dũng chia sẻ.
“Qua câu chuyện của eMeeting, tôi xin kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số, hãy tự tạo cho mình những giấc mơ lớn, những suy nghĩ lớn để tự thay đổi tương lai, vận mệnh của mình và của quốc gia. Vì nếu các doanh nghiệp không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê các bạn để xây ước mơ của họ”, ông Dũng nói.
eMeeting được phát triển bởi sự hợp tác giữa Tập đoàn AIC và Tập đoàn Bkav, trang bị hệ thống bảo mật 9 lớp, nén dữ liệu tối ưu, hỗ trợ cuộc họp trực tuyến với số lượng lên tới 200 điểm cầu, cung cấp chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt ngay cả trong điều kiện mạng yếu. eMeeting có đầy đủ các tính năng cần thiết của cuộc họp như đặt lịch, nhắc lịch, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, chia sẻ video trực tuyến, quản lý, điều hành cuộc họp, biểu quyết…
Với lợi thế là công ty an ninh mạng, nhà sản xuất cho biết eMeeting được thiết kế với hệ thống bảo vệ lên tới 9 lớp bảo mật, bao gồm bảo vệ kênh truyền; tường lửa; bảo vệ đầu cuối; mã hóa điểm cuối; mã hóa lưu trữ; mã hóa cơ sở dữ liệu; an ninh ứng dụng; an ninh thiết bị và xác thực người dùng. Với hệ thống bảo mật này, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng, không phải lo ngại các vấn đề mất an ninh khi họp trực tuyến như bị lộ nội dung cuộc họp hay có người lạ xâm nhập phòng họp như một số giải pháp nước ngoài đã gặp phải.