Phải nói ngay, nhiều là so với Thông tư 63 năm 2005 của Bộ Tài chính, dù chỉ gấp hơn 2 lần song với quy định hiện tại nhiều địa phương cũng lúng túng vì không biết chi như thế nào.
Theo Thông tư liên tịch số 73 ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính – Tư pháp (thay thế Thông tư số 63 trước đây) hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thì mức thù lao cho hòa giải là 150 ngàn đồng/vụ/tổ. Tuy nhiên, căn cứ để hưởng thù lao là xác nhận của UBND xã về số vụ việc nhận hòa giải của tổ hòa giải cơ sở.
Bà Ngô Hồng Thủy, Phó phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho biết: hiện nay trên địa bàn quận chưa có phường nào thực hiện chi trả thù lao hòa giải theo quy định mới (mà vẫn thực hiện chi trả theo quy định cũ).
Nguyên nhân theo bà Thủy là vướng mắc trong việc thiết lập hồ sơ: “Có cần biên bản hòa giải không, nhiều vụ đã hòa giải thành nhưng tại thời điểm đó đương sự ngại không ký thì thế nào, UB cấp xã có xác nhận không?”. Cũng theo bà Thủy, nếu chi theo quy định mới, con số vụ việc ở mỗi phường lên tới vài chục vụ “và như vậy thì kinh phí sẽ rất lớn”.
“Nhiều vụ các hòa giải viên đã mất công đi lại nhiều lần, cơ bản hóa giải được mâu thuẫn tuy nhiên chưa thể hoàn thiện hồ sơ thì có được thanh toán không”, một đại diện Phòng Tư pháp hỏi.
Chia sẻ với thực tế này ở các đơn vị trên địa bàn TP, bà Hồ Xuân Hương, Trưởng phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết: Phòng đang tham mưu cho Sở trình UBNDTP ban hành văn bản hướng dẫn chi để đảm bảo cho hòa giải viên ở cơ sở có nguồn kinh phí hoạt động. Theo đó, các vấn đề về hồ sơ cũng như cách thức chi trả sẽ được làm rõ.
Hà Nội đã vậy, ở các địa phương khác, nhất là các nơi vùng sâu, xa, vùng còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương thu không đủ chi, phải do Trung ương cấp thì các khoản chi cho phổ biến pháp luật nói chung và hòa giải nói riêng gần như là không thể.
Trước đây, theo Thông tư 63 cũ, chi cho hòa giải vụ đơn giản là 50 ngàn đồng, phức tạp là 100 ngàn đồng. Nay tăng lên 150 ngàn thì càng khó khăn hơn. Bởi đúng như đại diện Phòng Tư pháp Hoàn Kiếm, nếu hoàn thiện được hồ sơ, mỗi năm một địa bàn cấp xã là hàng chục vụ thì hàng năm mức chi cho hoạt động này rất lớn và đối ngân sách cấp xã là “quá sức”.
Cũng theo Thông tư 73, ngoài chi thù lao, sơ kết, tổng kết còn có mục chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho hòa giải viên; chi in ấn các biểu mẫu…Đây là các khoản chi được cho là tối thiểu để duy trì hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, nhiều địa phương ngân sách không hề có chút nào cho mục chi này. Các hòa giải viên vẫn trong tình trạng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thậm chí nhiều người còn phải bỏ tiền túi ra để tự trang bị cho mình.
Nam Hòa