Nguyễn Huy Anh Tuấn (SN 1983, quê Lào Cai), Trần Như Ngọc (SN 1992, quê Yên Bái), Trần Tuấn Anh (SN 1994), Nguyễn Đại Nghĩa (SN 1992, cùng quê Ninh Bình), Ngụy Văn Thạch (SN 1992, quê Bắc Giang), Trần Văn Hưng (SN 1983, quê Phú Thọ), Lê Quốc Huy (SN 1994, quê Thái Nguyên) đã có hành vi làm giả giấy tờ, “cướp” số điện thoại để đi vay tiền.
Trước đó, ngày 23/2, một người đàn ông tại Cà Mau nhận được điện thoại của cán bộ Bưu điện TP Thanh Hóa hỏi về việc có vay tiền của một Cty tài chính hay không? Người đàn ông cho biết chưa ra Bắc bao giờ, cũng không vay tiền của ai. Qua trao đổi, anh mới biết, có kẻ giả danh anh làm thủ tục vay của Cty tài chính, đã được giải ngân tại Bưu điện TP Thanh Hóa hơn 30 triệu đồng.
Một người đàn ông tại Đồng Tháp cũng là bị hại tương tự, khi nhận được điện thoại mới biết mình bị các đối tượng lừa đảo làm giả CMND, số điện thoại để đăng ký vay tiền qua mạng, sau đó được “giải ngân” tại Thanh Hóa gần 50 triệu đồng.
Qua xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ, công an xác định đây là loại hình tội phạm mới, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, làm giả giấy tờ, chiếm đoạt thông tin cá nhân và đánh cắp số điện thoại của người dân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Công an TP Thanh Hóa lập chuyên án đấu tranh, triệt phá.
Việc điều tra, làm rõ các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn vì sau khi bị lộ, các đối tượng lập tức bỏ trốn, không để lại dấu vết, các đối tượng đều là người tỉnh ngoài. Công an xác định thủ đoạn của nhóm đối tượng rất tinh vi, ngoài làm giả CMND, còn chiếm đoạt số điện thoại của bị hại để nhận mã OTP giải ngân.
Việc đánh cắp này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khiến bị hại không hề biết số điện thoại của mình đã bị đánh cắp để thực hiện mục đích vay tiền. Thủ đoạn này khiến nhiều người tự dưng trở thành con nợ xấu của các Cty tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao dịch, vay mượn sau này.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe ô tô chở các đối tượng đến Bưu điện Thanh Hóa thực hiện hành vi lừa đảo. Chủ xe là người Hà Nội cho biết được thuê chở vào Thanh Hóa, không hề biết thông tin gì về khách. Suốt quá trình đi trên xe, các vị khách không hề nói chuyện nên anh không biết họ ở đâu, làm việc gì.
Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, phát hiện đối tượng nữ trong nhóm là Trần Như Ngọc, khi đó đang có mặt ở Kim Sơn, Ninh Bình. Triệu tập đối tượng, xác định nhóm đồng phạm với Ngọc đang ở TP Đà Nẵng.
Triển khai lực lượng nhanh chóng, công an đã khoanh vùng, bắt giữ được các đối tượng, thu giữ 37 CMND giả nhưng gắn ảnh của các nghi phạm; 27 thẻ sim điện thoại, máy tính, máy in màu, các tang vật để làm CMND giả... Cầm đầu băng nhóm là Nguyễn Huy Anh Tuấn.
Theo điều tra, để có thể vay được tiền, chiếm đoạt tài sản, trước tiên các đối tượng phải có thông tin khách hàng; CMND của khách và số điện thoại để nhận mã OTP giải ngân. Khoảng tháng 1/2021, Nguyễn Đại Nghĩa, Ngọc và Tuấn gặp nhau ở Hà Nội; bàn chuyện lấy thông tin tên, địa chỉ, số CMND và số điện thoại của các cá nhân từng vay tiền của một Cty tài chính. Sau khi có thông tin, Tuấn chuyển Lê Quốc Huy để làm giả CMND theo thông tin trong CMND đã đánh cắp rồi dán ảnh của một trong các đối tượng của nhóm vào CMND giả.
Ngọc và Nghĩa sau đó tìm người tham gia để “cướp” sim, Ngọc vào ứng dụng vay tiền tín chấp của Cty tài chính điền thông tin vay, hạn mức vay và đề nghị chi trả qua bưu điện. Sau đó, Ngọc, Nghĩa cùng “chủ” CMND giả đến bưu điện rút tiền.
Để “cướp” được số điện thoại của nạn nhân, các đối tượng thực hiện một số cuộc gọi vào số máy điện thoại trên để “chứng minh” các số gọi đến gần nhất, sau đó dùng CMND giả đến các điểm cung cấp sim, thẻ của nhà mạng báo mất sim, số đề nghị được cấp lại sim mới.
Ngay khi “cướp” được số điện thoại, các đối tượng liên tục gọi cho nhau để điện thoại liên tục bận, tránh việc chủ sim phát hiện bị mất số, yêu cầu nhà mạng thu hồi.
Sau khi có đầy đủ CMND, số điện thoại trong tay, các đối tượng làm hợp đồng vay tiền tín chấp qua mạng với Cty tài chính với các khoản vay từ 20- 70 triệu đồng. Khi các đối tượng nhập hợp đồng vay vốn thành công, Cty tài chính sẽ nhắn tin vào số điện thoại chúng “cướp” được mã OTP để chúng đến bưu điện lấy tiền. Nhận tiền xong, lập tức các đối tượng hủy CMND giả và sim điện thoại vừa chiếm được.
Cũng vì chỉ bị chiếm đoạt số điện thoại trong một thời gian rất ngắn nên nhiều chủ thuê bao thường nghĩ sim bị hỏng phải làm lại chứ không nghĩ mình vừa bị “cướp” số để vay tiền.