“Năm 2012 là một năm áp lực đối với ngành ngân hàng nhưng chúng tôi đã gắng sức “vượt” qua. Cùng với sự nhất quán trong chính sách và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, hai mục tiêu lớn nhất: Kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định tăng trưởng kinh tế, chúng ta đều cán đích”. Đầu Xuân mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
“Cuộc chiến” vàng, lãi suất, ngoại tệ
Khi mới nhậm chức vào tháng 8/2011, ông nói mục tiêu số 1 của những tháng cuối năm là giảm mạnh lãi suất, đảm bảo thanh khoản hệ thống. Một năm tiếp theo trên cương vị Thống đốc, ông vẫn nói sẽ tiếp tục giảm lãi suất về ngưỡng dưới 10%. Nói thực, khi đó rất nhiều nghi ngờ liệu ông quá tự tin?
- Năm ngoái, Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát sẽ không dưới một con số, ngân hàng đưa lãi suất về 10%. Lúc họp nghe chỉ đạo, các ngân hàng còn nói với tôi: “Anh mà làm được, nhất định được thưởng huân chương”. Còn bây giờ tất cả đã thành sự thực. Theo báo cáo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh về mức định hướng đề ra từ đầu năm, với lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến. Lãi suất huy động giảm từ 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5 - 9%/năm so với cuối 2011, trở về mức lãi suất của 2007. Chúng tôi gắng làm những gì đã hứa và đến thời điểm này, hài lòng với những gì đạt được.
Thị trường vàng từng khiến người dân e ngại: Có lợi ích nhóm khi NHNN quyết định độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước không sát giá thế giới khiến người mua thiệt…?
- Nghị định 24 không đặt vấn đề giá trong nước – thế giới sát nhau mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng, bình ổn vĩ mô; nếu để sát thì sẽ xoá bỏ Nghị định này. Còn chênh lệch do có nguyên nhân khách quan. Vừa qua không có những “cơn sốt” vàng, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn có. Tôi đã nói chính các tổ chức tín dụng mua vàng vào để tất toán trạng thái, nhu cầu này lớn chứ không nhỏ. Người dân bán vàng rõ ràng được lợi chứ đâu có thiệt mà nói lợi ích nhóm.
Vàng không phải là mặt hàng quốc kế dân sinh, thiết yếu, trong Luật Giá không thuộc diện hàng bình ổn. Đất nước chúng ta còn nghèo, để làm ra một đồng ngoại tệ phải đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt. Mấy “ông” kinh doanh vàng cứ đòi phải sát với thế giới, thử hỏi vì cơn cớ gì hay chỉ tạo ra cơ hội cho giới kinh doanh kiếm lời? Năm qua cũng có những lúc chúng tôi rất mệt mỏi khi phải “chiến đấu” với sức ép của giới kinh doanh, nhất là trong “cuộc chiến” về vàng, nhưng chúng tôi đã vượt qua.
Sau rất nhiều năm, tỷ giá đã ổn định đến mức cuối năm NHNN không phải sử dụng biên độ dự kiến điều chỉnh. Nhưng lại có ý kiến cho rằng thành tích này có được phần nhiều do nhập siêu giảm mạnh, doanh nghiệp (DN) không có “cầu” ngoại tệ?
- Tính đến ngày cuối năm, tỷ giá mua trung bình của các NHTM giảm 0,96% so với cuối 2011. Tình trạng đô la hoá giảm, NHNN mua một lượng ngoại tệ đáng kể bổ sung cho dự trữ ngoại hối.
Tỷ giá có được sự ổn định này là bởi rất nhiều lý do, nhập siêu chỉ là một trong những yếu tố góp phần. Bản thân NHNN đã rất cố gắng khi đảm bảo giá trị tiền đồng. Việc lãi suất tiền gửi USD chỉ ở mức 2%/năm đã góp phần khiến một bộ phận người dân dịch chuyển mạnh ngoại tệ sang tiền đồng để gửi có lời cao hơn. Chưa kể việc tuyệt đối không cho nhập dù chỉ một tấn vàng. Điều này đã lập lại trật tự cả thị trường “chợ đen”, vốn là nguồn cung không nhỏ USD cho nhập khẩu vàng. Chỉ một “sóng” nhỏ bên ngoài, chúng tôi cũng nắm bắt được. Việc siết quản lý trạng thái cho vay ngoại tệ của các NHTM cũng tránh biến động thời điểm cho vay trả…Tất cả các biện pháp điều hành nhịp nhàng này đã làm nên năm thành công của tỷ giá.
Năm 2013 - Gồng mình xử lý nợ xấu
Những phần việc trên quả thực đáng kể, nhưng không thể phủ nhận năm qua vô cùng khó khăn với các DN: Hàng hóa tồn kho, lãi vay cao, khó tiếp cận vốn, còn ngân hàng lại “đổ” lỗi cho bài toán nợ xấu chưa giải được. Thống đốc thấy sao?
- Năm 2012 các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro rất mạnh, lấy lợi nhuận bù đắp vào nợ xấu lớn, nhiều ngân hàng giảm lương, cắt thưởng, thậm chí nhân viên không có thưởng, còn các cổ đông hoặc không chia hoặc chia cổ tức rất thấp... Điều đó cho thấy, hệ thống ngân hàng đã phải gồng mình xử lý nợ xấu bằng quyền lợi của cổ đông và ngân hàng như thế nào. Trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng vào khoảng 90 nghìn tỉ đồng, hiện được 78 nghìn tỉ đồng... Những gì hệ thống ngân hàng có thể làm được thì đã làm hết sức.
Năm mới này, nợ xấu sẽ được xử lý ra sao khi Thống đốc từng nói: “Cần hiểu nợ xấu là của cả nền kinh tế chứ không riêng gì hệ thống ngân hàng”?
- Cần phải nói rõ là chính vì những vấn đề nợ xấu này thì hệ thống ngân hàng mới “chết”. Cho nên, cốt lõi của đề án tái cấu trúc lại ngân hàng là phải xử lý về nợ xấu. Còn vì sao nói nợ xấu là của cả nền kinh tế chứ không riêng gì hệ thống ngân hàng: Chẳng hạn như thị trường bất động sản (BĐS), phải hiểu đất đai, nhà cửa vốn là của đất nước, thế vì sao mà nó “đắt” đến thế, tại sao những DNBĐS giàu nhanh đến thế, làm cho người dân muốn mà không mua đuợc? Đó là vì “bong bóng” của thị trường này. Thời gian qua, DNBĐS “mọc lên nhiều như nấm”, nhiều DN vốn chỉ có vài tỉ có khi “khai khống” lên cả trăm tỉ, kiểm toán thì lỏng lẻo. “Tiền vào nhà trống” như thế, có bỏ ra tiền nữa cũng không hiệu quả. Nói thế để thấy, đừng cho rằng nợ xấu thuộc trách nhiệm mỗi ngân hàng. Giờ muốn gỡ đuợc, phải cần sự vào cuộc của các bộ ngành, của toàn xã hội. Mừng nhất là vừa rồi khi tôi trần tình mọi vấn đề trước Quốc hội, mọi người đã hiểu về bản chất và cách thức xử lý. Dẫu chúng ta có chậm nhưng chưa phải là muộn, sẽ gỡ dần.
So với các lĩnh vực khác, năm 2012 được xem là năm “sóng gió” với hệ thống ngân hàng. Bước sang Xuân mới, Thống đốc có chia sẻ gì?
- Cá nhân tôi nhìn nhận năm 2012 rất áp lực đối với ngành ngân hàng, nhưng nhờ Chính phủ nhất quán trong chính sách và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, cuối cùng hai mục tiêu lớn nhất: Giảm lạm phát và đảm bảo tăng trưởng, chúng ta đều cán đích tốt đẹp. Nếu so với mức tăng trưởng vài chục phần trăm những năm trước đây thì con số tăng trưởng tín dụng 4,6% toàn ngành quả là mức quá khiêm tốn. Tuy nhiên, khi đặt bên cạnh hai chỉ tiêu tăng trưởng thì sẽ thấy đó là một thành công lớn. Bởi rõ ràng “đồng vốn” chúng ta bỏ ra ít hơn gấp nhiều lần, nhưng nhờ “chảy” đúng địa chỉ, mà cuối cùng đã đạt hiệu suất cao hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn Thống đốc. Chúc ông và ngành một năm mới thành công!
NHNN sẽ “kiến tạo” giá vàng “Trong năm tới, khi các ngân hàng “đóng” xong trạng thái huy động cho vay vàng, NHNN sẽ ra tay chuyển toàn bộ quan hệ từ cho vay - huy động vàng sang mua bán. Phải nói rõ không phải để bình ổn, mà mục đích là tăng thêm dự trữ quốc gia bằng vàng một cách có lợi nhất. Nếu chênh lệch giá vàng vẫn lên tới 5 triệu đồng/lượng, tỷ giá ổn định thì tôi sẵn sàng xuất vàng ra bán, vì đó là cơ hội. Tôi là người kiến tạo ra thị trường vàng sắp tới. Thời gian trước, giá vàng trong nước do các thương nhân (đầu nậu - PV), tới đây giá trên thị trường vàng do NHNN điều khiển, kiến tạo giá theo ý đồ của quốc gia, để chuyển đổi toàn bộ vàng đó thành tiền cho sản xuất kinh doanh, Nhà nước giữ vàng, nền kinh tế có tiền” Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Hải Đường (thực hiện)