Greta Thunberg đã truyền cảm hứng cho hàng trăm người trẻ trong sự kiện “Thứ Sáu cho tương lai” tại Ý. (Ảnh: Massimiliano Ferraro/NurPhoto) |
Các nhà hoạt động không mệt mỏi
Điển hình của phong trào thanh niên chống biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn thế giới chính là cô bé sinh năm 2003 người Thuỵ Điển Greta Thunberg. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ cho sứ mệnh của mình, Thunberg đã truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn người trẻ tuổi trên toàn thế giới tham gia vào những “cuộc biểu tình vì khí hậu” để truyền những thông điệp cấp bách về cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại.
Tiếng nói của giới trẻ đã ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo thế giới. Bằng chứng là trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26) đã dành riêng một ngày làm việc cho chủ đề người trẻ và khí hậu. Năm 2019, Tạp chí Time (Mỹ) đã bình chọn Greta Thunberg là Nhân vật ảnh hưởng của năm, như một lời công nhận cho nỗ lực đáng ngưỡng mộ của bé gái này.
Theo tờ Forbes (Mỹ), không thể phủ nhận, Thunberg và những “đồng nghiệp nhí” thế hệ Z của cô bé đang là một “thế lực” mới. Thế hệ trẻ này có một đam mê mạnh mẽ không ngừng nghỉ trong việc cống hiến. Với sự trợ giúp của công nghệ Internet và mạng xã hội, tiếng nói của các em có thể được “khuếch đại” rộng khắp toàn cầu. Cùng với đó là nền giáo dục, không có câu nói nào đúng hơn câu ngạn ngữ “Tri thức là sức mạnh” đối với Gen Z. Các em có thể chính là thế hệ nhận được sự giáo dục tốt nhất từ trước đến nay, được truy cập vào một kho tàng thông tin khổng lồ và cũng biết cách khai thác thông tin để tạo ra sự khác biệt.
Do đó, tác giả Mark Perna của Forbes cho rằng “không thể đánh giá thấp Thế hệ Z và sự cam kết nhiệt thành mà các em đã và đang mang lại cho những vấn đề nan giải mà thế giới đang phải đối mặt. Gen Z sẵn sàng đứng lên cho niềm tin của họ, bằng bất kể cái giá nào. Đặc biệt khi đương đầu với thách thức mang quy mô toàn cầu như BĐKH, Thunberg và các đồng nghiệp của cô bé đã, đang và sẽ phát huy được nguồn nội lực và tiềm năng to lớn của các em”.
Đồng quan điểm, phóng viên Olivia Laing của tờ Guardian (Anh) cho rằng: “Với lòng dũng cảm và tham vọng, những người sinh ra trong bối cảnh nóng lên toàn cầu lại đang dẫn đầu trong cuộc đối đầu chống lại BĐKH đầy cam go này. Các em từ chối chấp nhận thực trạng đáng báo động của hiện tại”.
Cô cũng bày tỏ sự cảm phục khi có cơ hội được phỏng vấn 20 nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi trên khắp thế giới. Trong đó có nhiều thanh, thiếu niên còn chưa vượt quá tuổi 20 nhưng tràn đầy sự khiêm tốn và chững chạc khi kể lại về những trải nghiệm đầy ly kỳ và đáng ngạc nhiên tại chính ngôi làng, quê hương, đất nước của họ. Đó là những cái tên: Marinel Ubaldo (24 tuổi, Philippines), Anjali Sharma (17 tuổi, Úc), Aadya Joshi (18 tuổi, Ấn Độ/Mỹ), Hilda Flavia Nakabuye (24 tuổi, Uganda), Yusuf Baluch (17 tuổi, Pakistan), José Adolfo Quisocala (16 tuổi, Peru), Melati (18 tuổi), Isabel Wijsen (20 tuổi, Bali), Scarlett Westbrook (17 tuổi, Anh), Iris Duquesne (18 tuổi, Pháp), Autumn Peltier (17 tuổi, Canada)…
“Mặc dù các dự án của các bạn trẻ rất khác nhau nhưng điểm chung của họ là ý thức rõ ràng về những điều cần thay đổi. Đó là giáo dục và nhận thức của cộng đồng bản địa nhằm cải thiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tầm nhìn, tham vọng và cả lòng của những đứa trẻ này chính là điều các lãnh đạo toàn cầu nên có trong cuộc chiến với khí hậu”, Olivia Laing cho hay.
Olivia Laing của tờ Guardian đánh giá cao sự can đảm của thế hệ trẻ trong cuộc chiến chống BĐKH. (Ảnh: The Guardian) |
Urganda là một trong những đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc bởi BĐKH. (Ảnh: BBC) |
“Góc cắt” ly kỳ của những nhà hoạt động trẻ
Marinel Ubaldo (24 tuổi, Philippines) kể lại, tháng 11/2013 là thời điểm cô thực sự “thấm thía” sự cấp bách của một cuộc khủng hoảng khí hậu đang đến gần. Khi đó, một cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào ngôi làng yên bình của gia đình cô ở Đông Visayas (Philippines). Dù đã nhiều năm sống chung với bão nhưng cơn bão năm đó hoàn toàn khác, toàn bộ dân chúng phải di dời đến nơi trú ẩn ở trên mỏm đồi cao hơn, những ngôi nhà kiên cố bị “xé toạc”, toàn cảnh chỉ dùng từ “tan hoang” để miêu tả. Vào gần một thập kỷ sau đó, Ubaldo đã theo đuổi các hoạt động và chủ đề về BĐKH nhằm góp phần thay đổi điều gì đó ở đất nước của mình.
Trong nhiều năm qua, cô đã từng tham gia nhóm biểu tình tại trụ sở Shell của thành phố Manila (Phillipines), trước Wall Street Bull ở thành phố New York (Mỹ), và đồng tổ chức cuộc biểu tình của người trẻ vì khí hậu đầu tiên ở Đông Visayas. Hiện, cô gái này làm việc toàn thời gian về khí hậu, hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng về ứng phó BĐKH. Cô cũng là người đồng sáng lập nhóm “Lãnh đạo thanh niên vì môi trường”, là cố vấn thanh niên công bằng khí hậu cho tổ chức “Hòa bình xanh Philippines” và cũng nhiệt tình tham gia vào phong trào vận động không tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch. Các nhà hoạt động khí hậu ở Philippines là một công việc có tính rủi ro cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng điều đó không hề làm vơi bớt nhiệt huyết của cô gái trẻ trong gần 10 năm qua.
Marinel Ubaldo cố gắng vận động nhận thức của xã hội về BĐKH gần 10 năm nay. (Ảnh: Sanjeev Thakur/The Observer) |
Hilda Flavia Nakabuye (24 tuổi) đến từ Urganda (nằm ở Trung Phi), đã từng hùng hồn phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng thế giới năm 2019 tại Copenhagen rằng: “Bạn có thể cảm thấy thoải mái khi nằm trên giường ngay bây giờ nhưng không lâu nữa bạn sẽ sớm cảm thấy sức nóng của chiếc giường đó và phải chịu đựng điều đó mỗi ngày”. Đối với cô gái trẻ, BĐKH luôn là một vấn đề hiện hữu. Khi còn nhỏ, Nakabuye đã chứng kiến những trận mưa lớn, gió lớn và hạn hán ngày cáng khắc nghiệt qua mỗi năm. Chúng dần dần tàn phá trang trại của ông bà cô; vườn sắn, vườn khoai tây khô héo; gia súc chết và cuối cùng gia đình cô buộc phải bán hết đất đai của mình.
Khi bước vào đại học, Nakabuye đã biến nỗi bất hạnh của gia đình mình thành động lực để cô theo đuổi cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Vào năm 2019, cô gái này đã khởi động chiến dịch “Uganda’s Fridays for Future” (tạm dịch: Thứ sáu của Urganda vì tương lai). Đến nay, đã có hơn 53.000 thành viên là thanh thiếu niên tham gia.
Trên chính trường quốc tế, cô gái sẵn sàng chỉ trích mạnh mẽ sự bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu nghèo trong việc đưa ra quyết định vì khí hậu. Chính vì thế cô càng nỗ lực hơn nữa để những người và quốc gia, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH có thể được lên tiếng. “Chúng tôi sinh ra trong một thế giới tràn ngập sự sợ hãi và lo lắng nhưng chúng tôi rất kiên trì, và rất đoàn kết”, Nakabuye thẳng thắn cho hay.
Một câu chuyện khác không kém phần phi thường chính là chuyện của cậu bé José Adolfo Quisocala đến từ Peru. Khi mới lên 7, cậu bé đã nghĩ ra một sáng kiến, tạo ra một “ngân hàng” dành cho các bạn cùng trang lứa ở quê nhà Arequipa để các bạn học có thói quen tiết kiệm tiền mua sách vở, bút thước và đồng phục. Ngoài việc tiết kiệm, trẻ em có thể kiếm thu nhập bằng cách mang nhựa và giấy để tái chế khi tan học, số tiền tự động được ghi có vào “tài khoản ngân hàng” của từng em.
Chín năm sau, ở tuổi 16, sáng kiến ngân hàng sinh viên Bartselana của Quisocala đã có tới 6.700 khách hàng, tất cả đều dưới 18 tuổi. Hàng tháng, ngân hàng thu gom được từ 15 đến 16 tấn giấy và nhựa và bán cho các công ty địa phương để tái chế để xoay vòng vốn và trả lại tiền lãi cho các khách hàng. Nhờ ý tưởng này, cậu bé còn chưa đến 20 tuổi này đã góp phần cải thiện tình trạng nghèo đói ở trẻ em và ô nhiễm môi trường ngay chính tại quê hương của mình.
Quisocala dù mới 16 tuổi nhưng sáng kiến của cậu đã giúp giảm đói nghèo ở thị trấn Arequipa, Peru. (Ảnh: Leonardo Cuito) |
Chia sẻ về khởi nguồn ý tưởng, Quisocala cho biết cậu đã từng nhìn thấy những đứa trẻ ăn xin ở các cột đèn giao thông và tự hỏi làm thế nào mình có thể giúp họ và gia đình kiếm tiền và tiết kiệm. Cùng với đó là làm sao tái chế rác gia đình để giảm ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp rác hôi thối. Cậu bé đã thậm chí bỏ học để theo đuổi lý tưởng của mình, nhưng cậu tin rằng điều đó xứng đáng khi thấy rất nhiều đứa trẻ khác đã bớt nghèo, ít bỏ học hơn và ô nhiễm môi trường giảm tại thị trấn nơi cậu sinh ra.
Quisocala cũng đã giúp thành lập Quỹ Bartselana để chuyển đổi các khoản quyên góp và nguồn thu từ tái chế rác thải thành nguồn lực để chống lại nạn đói ở trẻ em và cải thiện nền giáo dục. Năm 16 tuổi, cậu bé giao việc điều hành ngân hàng cho một nhà điều hành trẻ tuổi khác để bước vào đại học trong khi vẫn tiếp tục hoạt động xã hội về môi trường của mình.
Quả thực, những câu chuyện này chỉ là một phần rất nhỏ trong phong trào thanh niên chống BĐKH trên toàn cầu. Mỗi người trẻ đang cố gắng theo cách riêng của mình để tham gia vào cuộc chiến vì khí hậu tại chính nơi ở và quốc gia của mình.