Có 4 chuyên đề được tập trung thảo luận tại Hội nghị, gồm: Một số nội dung cơ bản và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Tình hình triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) và kiện toàn tổ chức, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường; Tình hình triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi (NCN); Tình hình giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch theo quy định Điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị |
“Đau đầu” cán bộ pháp chế chuyên trách
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Lê Thành Long khẳng định: “Nghị định số 55 là cơ sở pháp lý để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác pháp chế; tạo cơ chế quản lý thống nhất về công tác pháp chế từ trung ương đến địa phương cũng như theo hệ thống ngành, lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành trung ương…”.
Nhấn mạnh đến vai trò đầu mối của Sở Tư pháp, ông Long cũng cho biết trách nhiệm nặng nề của sở trong quản lý công tác pháp chế ở địa phương theo quy định của Nghị định 55, trong đó có việc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế trực thuộc.
Tinh thần chung của lãnh đạo các Sở Tư pháp là rất vui mừng khi Nghị định 55 được ban hành, như Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến đánh giá, là “một nghị định tạo điều kiện cho ngành Tư pháp có cơ hội phát triển tốt trong thời gian tới”. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo “biên chế”.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng, việc xác định 14 sở, ngành phải có cán bộ pháp chế chuyên trách “cứng” là một câu chuyện không hề đơn giản. Ở thành phố chủ yếu cán bộ làm kiêm nhiệm luôn công việc này, còn ở cấp quận, huyện thì cán bộ Tư pháp phối hợp thực hiện công việc pháp chế ngành.
Ông Nguyễn Bá Sơn - giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng góp lời: “Không dễ dàng cho địa phương được tăng thêm biên chế để làm công tác pháp chế bởi nằm trong tổng biên chế được giao hàng năm và áp lực của việc cải cách hành chính”.
Hiện các địa phương đang chủ động giải quyết vướng mắc trên. Chẳng hạn, Sở Tư pháp Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức thực hiện, theo đó mỗi sở, ngành của tỉnh sẽ có 4 biên chế làm pháp chế. Tuy nhiên, về lâu dài thì lãnh đạo các Sở Tư pháp đề xuất Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tìm cách tháo gỡ vấn đề.
“Chẳng hạn, trong thi hành Luật Lý lịch tư pháp, Bộ có công văn chỉ đạo Hà Nội được bố trí 7 cán bộ, được trang bị máy móc thiết bị nên chúng tôi làm việc với Sở Nội vụ rất thuận lợi. Các phần việc khác mà cũng được chỉ đạo cụ thể như thế thì việc bố trí biên chế sẽ đỡ khó khăn hơn” – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương chia sẻ. Chủ trì thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng yêu cầu: “Phía địa phương cũng cần có tiếng nói và tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương để thúc đẩy thêm công tác nhân sự pháp chế ngành”.
Bài toán biên chế nêu trên cũng là khúc mắc trong việc kiện toàn tổ chức, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo Luật TNBTCNN. Cục trưởng Cục BTNN Nguyễn Thanh Tịnh cho biết “vẫn đang tiếp tục làm việc với Bộ Nội vụ để hướng dẫn cụ thể” với mong muốn có được tối thiểu 2 biên chế tại Sở Tư pháp.
Nhập quốc tịch không thể làm qua loa
Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam thể hiện rõ quan điểm tiến bộ của Nhà nước ta trong việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam đối với những người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên. Quy định này xuất phát từ thực tế nhiều người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch nước nào đã cư trú nhiều năm ở nước ta không thể đăng ký hộ tịch, không được cấp chứng minh thư, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy tờ đăng ký tài sản…
Nhằm triển khai Luật một cách thống nhất, đồng bộ và thực sự có hiệu quả, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương. Tổng hợp sơ bộ báo cáo của các tỉnh thành, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trấn Thất thông tin, đến nay đã có 1.786 người được Chủ tịch Nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và được làm thủ tục trao bản sao Quyết định của Chủ tịch Nước. Tuy nhiên, theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quốc tịch thì công tác giải quyết còn chậm – ông Thất phản ánh.
Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp Sơn La Lường Văn Chựa cho biết người dân vô cùng phấn khởi đón nhận Luật Quốc tịch bởi họ đã được thực hiện quyền công dân. Sơn La có hơn 360 trường hợp – nhiều vào loại nhất, nhì cả nước – nhưng quá trình giải quyết rất thuận lợi bởi được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, được phối hợp nhiệt tình của các cơ quan chức năng. Có điều, theo ông Chựa, giải quyết nhập quốc tịch là một vấn đề khó khăn, phức tạp và lâu dài nên đòi hỏi ngành Tư pháp phải luôn làm tốt vai trò tham mưu. Phản ánh nguyện vọng của người dân, bà Ngô Minh Hồng kiến nghị: “Quyết định cho nhập quốc tịch của Chủ tịch Nước là rất trân trọng, do đó cần có quyết định cho riêng từng cá nhân chứ không nên chỉ có một quyết định rồi kèm theo một danh sách dài”.
Lúng túng với chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài
Theo Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi (NCN) là ở khâu lập dự toán để sử dụng khoản chi phí giải quyết NCN nước ngoài. Ông Bình ví dụ: Trong việc điều chuyển cho ngân sách địa phương khoản tiền bù đắp chi phí giải quyết NCN nước ngoài thì nhiều địa phương hiểu không nhất quán nên chưa thống báo cho Cục tên chủ tài khoản tiếp nhận. Hay là nhiều Sở Tư pháp lúng túng trong lập dự toán chi, nhất là việc xác định mức chi cụ thể từ lệ phí đăng ký NCN nước ngoài cho các hoạt động chuyên môn đặc thù. Thậm chí chính Cục Con nuôi cũng lúng túng trong lập dự toán để sử dụng khoản tiền được trích lại từ chi phí giải quyết NCN nước ngoài.
Qua kiểm tra thực tế 12 trung tâm về điều kiện cho trẻ làm con nuôi nước ngoài, ông Phạm Xuân Phương cho biết, phần lớn các trung tâm không “mặn mà lắm”, nhất là do chi phí bù đắp chỉ được chuyển về khi đã bàn giao trẻ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phân tích: “Quyền lợi của cơ sở nuôi con nuôi là trực tiếp và cụ thể, theo quy định các tổ chức nước ngoài không được chi trực tiếp cho các cơ sở là phù hợp. Điều này có thể làm cho các cơ sở nuôi con nuôi và các tổ chức nước ngoài e ngại và bị nghẽn, nhưng đây là một nghẽn tốt. Câu chuyện kinh phí sẽ chặt chẽ hơn, cụ thể hơn…, tránh tai tiếng” . Chỉ có một vướng mắc nhỏ là các bộ, ngành trung ương nên có hướng dẫn, chỉ định cơ quan nào (Sở Tư pháp hay Sở LĐ-TB&XH) nhận kinh phí trung ương để các địa phương thống nhất thực hiện.
“Thông qua việc triển khai các lĩnh vực hoạt động tư pháp năm 2011 cho thấy các địa phương đã cố gắng, bám tương đối sát, nghiêm túc những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, công tác tư pháp đã “vào cuộc” với sự phát triển chung của nhiều tỉnh, thành phố.
Nhưng 3 lĩnh vực quốc tịch, con nuôi và pháp chế thì vẫn đang là “bức tranh chắp vá của các họa sỹ khác nhau”. Có tỉnh đã triển khai đúng chỉ đạo của Bộ (xây dựng kế hoạch, trình UBND, tổ chức thực hiện), có tỉnh không xây dựng kế hoạch, hoặc có nhưng triển khai không hiệu quả hoặc chưa triển khai (do không có nhân lực), hoặc triển khai nhưng chưa được quan tâm đồng bộ về biên chế, ngân sách…
“Bức tranh” thực thi pháp luật về các vấn đề quốc tịch, pháp chế, con nuôi cũng thể hiện tình trạng chung của tình hình thi hành pháp luật, nên cần có giải pháp để tránh tình trạng thi hành không đồng nhất ngay trong ngành Tư pháp. Theo đó, cần tích cực hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chậm nhất đến đầu quý IV/2011 phải xong. Giải quyết các “điểm nghẽn” về đấu mối quản lý các lĩnh vực này ở địa phương, vấn đề biên chế cho ngành nói chung và các lĩnh vực hoạt động mới nói riêng.
Trong “bức tranh” chung có nơi thuận lợi, có nơi khó khăn, thậm chí rất khó khăn, nhưng cần nhận thức rõ rằng, công tác Tư pháp là công tác của cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh, chứ không chỉ của ngành Tư pháp nên phải có phối kết hợp của các cấp, các ngành.
Đề nghị các sở, các cán bộ công chức ngành Tư pháp tiếp tục đoàn kết, kỷ cương để xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, vì “mỗi cán bộ là một mắt xích” trong công cuộc đó”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Phong Trần – Hoàng Thư – Hương Giang