Hôm qua - 29/7, Pakistan để quốc tang một ngày để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm họa máy bay tồi tệ nhất ở nước này kể từ 18 năm nay khiến toàn bộ 152 người có mặt trên khoang thiệt mạng.
Chính quyền Pakistan cho biết, mưa lớn đã ngăn cản nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường vụ nổ.
Xác định nạn nhân bằng ADN
Theo thông tin ban đầu, có 5 người được cứu sống trong vụ nổ chiếc Airbus A321 ở một khu vực đồi núi gần thủ đô Islamabad. Tuy nhiên, sau đó chính quyền Pakistan xác nhận lại là toàn bộ 152 người trên khoang đã thiệt mạng.
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường. |
Chiếc Airbus này gặp nạn khi đang thực hiện chuyến bay nội địa từ thành phố miền Nam Karachi theo lịch trình của hãng hàng không tư nhân Pakistan Airblue vốn nổi tiếng về đảm bảo an toàn. Cho đến hôm qua, chưa biết rõ nguyên nhân nào dẫn tới thảm họa.
Tuy nhiên, chiếc máy bay đã phát nổ khi trời mưa to, sương mù đậm khiến tầm nhìn hạn chế. Trước khi thảm họa xảy ra, chiếc máy bay đã bay ở tầm cực thấp trên đỉnh dãy núi Margalla ở phía Bắc thủ đô Islamabad, các nhân chứng cho biết.
Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani hôm qua tuyên bố Pakistan một ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Qamar Zaman Kaira cho hay, 115 thi thể của các nạn nhân đã được tìm thấy, nhưng thời thiết xấu và khu vực hiểm trở gây khó khăn cho nỗ lực tìm kiếm của lực lượng cứu hộ.
Ông Kaira cũng cho các nhà báo biết, các thi thể của hành khách đã bị xé nát và cháy thành than sau vụ nổ, vì vậy các nhà chức trách phải sử dụng các xét nghiệm ADN để xác định danh tính của các nạn nhân.
Trong khi đó, Aamir Ali Ahmed, một quan chức cấp cao của thành phố Islamabad, cho biết, công việc tìm kiếm rất khó khăn do trời mưa. Nhân viên cứu hộ Dawar Adnan thì nói: “Tôi chỉ thấy các bộ phận thi thể. Đây là một thảm họa rất khủng khiếp”.
Cho đến sáng qua, mới chỉ có 46 thi thể nạn nhân được xác định danh tính. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan cho biết, có hai người Mỹ trong số các nạn nhân.
Máy bay mới hoạt động 10 năm
Theo các quan chức Pakistan, các nhà điều tra vẫn đang tìm kiếm chiếc máy ghi dữ liệu của chuyến bay để xác định nguyên nhân của vụ nổ, đồng thời phủ nhận thông tin trước đó là “chiếc hộp đen” đã được tìm thấy.
Ông Amin, người phụ trách việc giám sát công việc tìm kiếm, “đội cứu hộ sẽ tiếp tục chiến dịch ngay sau khi mưa ngớt”.
Chính quyền Pakistan không loại trừ bất cứ giả thiết nào có thể là nguyên nhân của vụ nổ, kể cả hành động tấn công khủng bố hoặc phá hoại, tuy nhiên chưa đưa ra tuyên bố chính thức gợi nhắc một vụ tấn công nào đó.
Hai phụ nữ Pakistan mất cha sau thảm họa. |
Theo phóng viên Aleen Maqbool của BBC tại Islamabad, trong những ngày gần đây, nhiều chuyến bay hành trình từ Karachi tới Islamabad đã bị hoãn lại vì thời tiết xấu.
Vì vậy, sau thảm họa, có nhiều vấn đề nghiêm trọng được đặt ra về việc vì sao chiếc máy bay này lại được phép bay trong điều kiện thời tiết xấu và liệu thảm kịch này có thể ngăn chặn được hay không.
Ngoài ra, cũng có những phàn nàn về sự phản hồi của hãng Airblue. Zulfiquar Qadri, người mất một thành viên trong gia đình, nói: “Chúng tôi đã không nhận được thông tin gì cả”.
Phát ngôn viên Raheel Ahmed của Airblue tuyên bố, vụ nổ máy bay này là một thảm họa cực kỳ nghiêm trọng và chiếc máy bay bị nạn đã được Airblue khai thác từ tháng 1/2006, đã thực hiện được khoảng 34.000 giờ bay và chưa bao giờ bị trục trặc kỹ thuật.
Tại Paris, nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus cho biết, chiếc A321 này mới được đưa vào sử dụng 10 năm nay, trong khi tuổi thọ trung bình của máy bay loại này vào khoảng từ 30 đến 40 năm.
Hãng hàng không Airblue là hãng hàng không tư nhân lớn nhất và nổi tiếng ở Pakistan trong những năm gần đây. Các quan chức hàng không dân sự cho biết, không có thông tin gì trong các cuộc đàm thoại giữa phi công và trung tâm kiểm soát ở Islamabad và điều đó cho thấy chẳng có trục trặc kỹ thuật gì xảy ra.
Trong khi đó, bất chấp ngành công nghiệp hàng không của Pakistan đang phát triển, những người chỉ trích vẫn nói rằng các tiêu chuẩn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các phi công phàn nàn rằng, họ bị buộc phải bay thêm giờ khiến họ mệt mỏi, song các hãng hàng không vẫn không chấp nhận.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 28/7 đã gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani./.
Vụ tai nạn máy bay của ngành hàng không dân sự nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 9/1992. Khi đó, một chiếc Airbus 300 của PIA đã nổ tung gần thủ đô Katmandu của Nepal khiến 167 người thiệt mạng. |
T.T (Theo BBC, AFP)