Tích cực rà soát, cắt giảm TTHC liên quan đến Phiếu LLTP
Báo cáo tại tại Hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Phạm Quang Đại cho biết: Bộ Tư pháp và hầu hết các địa phương đã quan tâm, chú trọng, tập trung triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cấp Phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công tác rà soát quy định của pháp luật về các TTHC liên quan đến Phiếu LLTP để đề xuất cắt giảm được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, yêu cầu của Chỉ thị số 23/CT-TTg.
Công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia và nhiều Sở Tư pháp được quan tâm, chú trọng thực hiện. Tính đến ngày 30/11/2023, Trung tâm LLTP quốc gia đã thực hiện vào sổ tiếp nhận 246.068 thông tin, cung cấp cho các Sở Tư pháp 46.770 thông tin. Tại các Sở Tư pháp đã thực hiện tiếp nhận 453.694 thông tin LLTP, lập 75.976 bản LLTP; cung cấp 340.927 thông tin cho Trung tâm LLTP quốc gia.
Phó Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Phạm Quang Đại báo cáo tại Hội nghị. |
Công tác cấp Phiếu LLTP được thực hiện đa dạng với nhiều phương thức tiếp nhận và trả kết quả. Trong năm 2023, Trung tâm LLTP quốc gia và 63 Sở Tư pháp đã tiếp nhận và cấp 1.156.114 Phiếu LLTP (tăng 14,4% so với năm 2022), trong đó cấp 635.634 Phiếu LLTP số 1 và 520.480 Phiếu LLTP số 2. Hầu hết các Sở Tư pháp đề trả kết quả Phiếu LLTP sớm và đúng thời hạn trên 95%.
Bộ tư pháp đã quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hướng dẫn các Sở Tư pháp trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh để cấp Phiếu LLTP đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật LLTP và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp phiếu LLTP được chú trọng, đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã thực hiện tích hợp, liên thông dữ liệu hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP giữa Phần mềm một cửa điện tử và Phần mềm Quản lý LLTP đạt tỷ lệ cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác LLTP còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: tại một số Sở Tư pháp, vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP; quy trình khai thác, tra cứu thông tin tại Cơ sở dữ liệu của Trung tâm LLTP còn phức tạp, một số tính năng chưa hoàn thiện; việc tích hợp, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử và Phần mềm Quản lý LLTP chưa hiệu quả; các phần mềm phục vụ công tác cấp Phiếu LLTP chưa đồng bộ…
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm LLTP quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan giải đáp phản ánh, kiến nghị của địa phương. |
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm LLTP quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan đã giải đáp phản ánh, kiến nghị của địa phương trong công tác LLTP.
Cần kịp thời gỡ vướng cho địa phương
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Sở Tư pháp Nghệ An nêu lên khó khăn, vướng mắc trong công tác LLTP trên địa bàn như: Nhiều cơ quan, tổ chức chưa chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo quy định, chủ yếu phục vụ công tác tuyển dụng, quản lý lao động, gây tốn kém, phiền hà cho người dân; còn nhiều cá nhân yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 không phù hợp với mục đích tại Khoản 1 Điều 41 Luật LLTP; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp Phiếu LLTP còn nhiều hạn chế…
Còn đại diện Sở Tư pháp Hà Nội nêu lên thực tế số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP ngày càng tăng, năm 2023 gấp 1,5 lần năm 2022. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác cần quyết liệt đẩy mạnh công tác rà soát, kiến nghị cắt giảm quy định, TTHC liên quan đến Phiếu LLTP. Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an để có chỉ đạo thống nhất đối với công an địa phương trong việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin LLTP; giảm bớt thao tác scan hồ sơ lên phần mềm. Đề nghị bỏ quy định không còn phù hợp tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 về hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP, ví dụ như yêu cầu nộp bản chính, trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật khi thông tin LLTP được gửi qua bưu điện.
Ngoài ra, Sở Tư pháp Hà Nội cũng nêu lên khó khăn trong việc đương nhiên xóa án tích cần lượng thông tin đầu vào rất lớn, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm trễ cấp Phiếu LLTP, do vậy đề xuất cần thủ tục riêng cho công tác này. Cùng với đó, đề nghị nhân rộng mô hình thí điểm cấp Phiếu LLTP qua cổng VNEID…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp tập trung thực hiện một số nội dung để tiếp tục tăng cường hiệu quả của công tác LLTP trong thời gian tới. Theo đó, phải thống nhất rằng thể chế pháp luật về LLTP cần đi trước một bước tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác quản lý nhà nước về LLTP và giải quyết các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong cấp Phiếu LLTP.
“Để làm việc này, chúng ta cần tập trung rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về LLTP. Để đẩy nhanh xây dựng thể chế thì chúng ta cần phân loại vấn đề để xem vấn đề gì có thể được giải quyết thông qua hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn giữa Sở Tư pháp với các đơn vị thuộc Bộ; những vấn đề gì có thể giải quyết được bằng sửa đổi, bổ sung Thông tư thì cần làm sớm, những vấn đề nào có thể được giải quyết ở tầm Nghị định thì khẩn trương tổng hợp để đưa ngay vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111 đang trình Chính phủ. Những vấn đề yêu cầu có sửa đổi, bổ sung Luật LLTP thì cần nghiên cứu, đánh giá thấu đáo để có tham mưu, đề xuất theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Thứ trưởng nói.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật về công tác LLTP và các nhiệm vụ giao trong Chỉ thị 23. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác LLTP, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý LLTP, trong đó có yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành.
Trung tâm LLTP quốc gia cần tăng cường nắm bắt thực chất tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác này để có hướng dẫn, trao đổi, tập huấn, kiểm tra về công tác LLTP kịp thời.
Ở địa phương, đề nghị các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của pháp luật về lý LLTP và chỉ đạo của Bộ Tư pháp trong công tác này, đặc biệt là trong quản lý nhà nước, chủ động cấp phiếu LLTP theo thẩm quyền quy định tại Luật LLTP , phối hợp với công an và các cơ quan địa phương trong tra cứu, xác minh thông tin LLTP để cấp Phiếu LLTP. Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, HĐND, UBND để tạo chuyển biến tích cực, thúc đẩy đối với công tác LLTP.