Khu Công nghệ cao Hoà Lạc thu hút gần 100 dự án đầu tư
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc, Ban Quản lý đã thu hút được gần 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. Trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài.
Khu CNC Hoà Lạc đang chuyển mình để trở thành một Khu CNC thông minh, phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy mở về đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa...
Đại diện lãnh đạo Khu CNC Hoà Lạc chia sẻ thông tin. |
Cùng với đó, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Khu CNC Hoà Lạc cũng được thiết kế để có hệ thống các đơn vị, tổ chức trung gian hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, kết nối giữa khu vực nghiên cứu với khu vực thương mại hoá, phổ biến, trình diễn, thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, như: Trung tâm đào tạo và ươm tạo công nghệ cao, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới Công nghệ, Viện nghiên cứu Hira.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9/1/2021. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hội thảo “Góp ý định hướng và một số mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Khu CNC Hòa Lạc” được tổ chức cũng nhằm kết nối các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trung gian với Ban quản lý Khu, với khu đô thị đại học quốc gia Hà Nội để tìm hiểu thực trạng, nhu cầu cần hỗ trợ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp công nghệ. Từ đó, đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Khu CNC Hoà Lạc
Xây dựng Khu Công nghệ cao Hoà Lạc phát triển xứng tầm
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ KH&CN Trần Xuân Bách nêu rõ, Hội thảo hướng đến các thông điệp cụ thể, thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn những ý kiến của các chuyên gia, các diễn giả sẽ là kênh thông tin quan trọng, là những gợi mở giá trị đối với cơ quan quản lý trong việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu CNC Hòa Lạc trong thời gian tới.
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ KH&CN Trần Xuân Bách phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng thời, Hội thảo cũng là kênh kết nối đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý, từ đó góp phần hình thành nên các mối liên kết viện trường doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động tại khu CNC Hòa Lạc nói riêng, Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN là một kênh truyền thông hữu hiệu để đồng hành, lan tỏa giá trị, tiềm năng và ý nghĩa của khu CNC đối với sự phát triển kinh tế xã hội, không chỉ trên bình diện thủ đô Hà Nội mà đối với cả quốc gia. Những hoạt động tương tự như Hội thảo sẽ là giải pháp lan tỏa hiệu quả với xã hội về ý nghĩa, vai trò của ngành KH&CN, của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ KH&CN Trần Xuân Bách bày tỏ mong muốn, Hội thảo sẽ là điểm khởi động lý tưởng cho nhiều hoạt động truyền cảm hứng, chia sẻ tri thức, lan tỏa thông tin hơn về hoạt động của khu CNC Hòa Lạc nói riêng và về hoạt động đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường Đại học, ông Phạm Trung Dũng, Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, hiện nay, khởi nghiệp đang là một xu thế phát triển mạnh mẽ của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam nhằm phục hồi kinh tế đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Để có thể thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ thì các trường đại học cần phải nhấn mạnh trọng tâm trong quá trình đào tạo của mình tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Phạm Trung Dũng, Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo. |
Ông Phạm Trung Dũng nêu rõ Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu xác định rõ mục tiêu của giáo dục, đào tạo trong giai đoạn tới nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc, trong đó “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính một phần lớn thông qua thúc đẩy khát vọng sáng tạo, khởi nghiệp, chinh phục đỉnh cao tri thức, đưa các sản phẩm khởi nghiệp của Việt Nam đến với quốc tế nâng cao chỉ số sáng tạo của Việt Nam. Do đó, cần đoàn kết lại xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các trường Đại học.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã cùng trao đổi, tìm hiểu thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, các tài năng công nghệ muốn nghiên cứu, phát triển tại Khu CNC Hoà Lạc; hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường Đại học; thách thức và cơ hội của doanh nghiệp KH&CN trong kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo…