Kế hoạch yêu cầu việc kiểm tra đảm bảo khách quan, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; đánh giá được những ưu điểm, nhược điểm, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để kịp thời chỉ đạo khắc phục. Việc xây dựng Kế hoạch kiểm tra phải bám sát quy định pháp luật, Quy chế kiểm tra trong THADS. 100% các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục, các Chi cục THADS thực hiện việc tự kiểm tra. Tập trung kiểm tra sâu vào những lĩnh vực dễ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực như bán đấu giá tài sản, thu chi thi hành án, quản lý biên lai, kho vật chứng, vụ việc THADS có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong. Kết luận kiểm tra phải rõ ràng, Trưởng đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS và trước pháp luật về kết quả kiểm tra.
Về nội dung kiểm tra, các đơn vị của Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương thực hiện tự kiểm tra vào tháng 4/2023; kiểm tra nội bộ tại Tổng cục vào tháng 7/2023; kiểm tra nội bộ tại cơ quan THADS địa phương theo kế hoạch của mỗi đơn vị. Đối với công tác kiểm tra của Tổng cục THADS đối với cơ quan THADS địa phương sẽ tập trung vào thẩm tra kết quả tự kiểm tra năm 2022, năm 2023 và lựa chọn địa phương tiến hành kiểm tra lại.
Theo kế hoạch, Tổng cục THADS dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các mặt công tác tại Cục THADS thành phố Đà Nẵng, Sơn La, Cần Thơ; kiểm tra chuyên đề phân loại án, án có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong tại Cục THADS Đồng Nai, Quảng Ngãi, Tây Ninh; kiểm tra chuyên đề công tác văn phòng và báo cáo thống kê THADS tại Cục THADS Lạng Sơn, Bình Phước; kiểm tra công tác theo dõi án hành chính tại các Cục THADS Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận, Long An, Bình Định…