Đến nay, có hai phim bom tấn về siêu anh hùng, Batman và Superman: Dawn of Justice và Captain America: Civil War, thừa nhận sự tàn phá và những thảm kịch đau lòng mà người tốt, kẻ xấu siêu năng lực tạo ra mỗi khi họ giao tranh. Nhưng phim bom tấn thứ ba, X-Men: Apocalypse đã hoàn toàn phớt lờ chủ đề này.
Hụt hơi đuối sức
Nhân vật phản diện nổi bật của loạt phim X-Men, Magneto (do Michael Fassbender đóng), sử dụng khả năng điều khiển kim loại của mình để nhấc bổng và nghiền nát các công trình kiến trúc nổi tiếng khắp thế giới. Khi làm như vậy, có thể coi Magneto đã giết hại hàng nghìn người vô tội.
Nhưng khi bộ phim kéo dài hai tiếng rưỡi đi đến hồi kết, không ai đề cập sự hủy diệt hoặc tàn sát này. Nhân vật chính diện Giáo sư Xavier (do James McAvoy thủ vai) thậm chí chia tay Magneto với câu chào vui vẻ: “Tạm biệt, bạn cũ”. Vấn đề nền văn minh bị san phẳng không được chú trọng bằng việc Xavier bắt đầu hói.
Có lẽ sẽ là sai lầm khi xét nét một bộ phim nặng tính giải trí như X-Men, nhưng loạt phim này đến nay dẫn đầu xu hướng đan cài các cuộc ẩu đả kinh thiên động địa của các siêu nhân tốt-xấu với những vấn đề trong thế giới thực.
Tập phim đầu tiên, X-Men (2000), xây dựng hình ảnh những người đột biến là một cộng đồng thiểu số khiếp sợ và bị đàn áp, vì vậy cho phép phim nêu vấn đề về liên kết xã hội và kháng cự bạo lực, trước khi loạt phim Captain America nhảy vào hiện thực hóa vấn đề rất nhân văn này.
Loạt phim X-Men hụt hơi với phần ba X-Men: The Last Stand (2006), nhưng X-Men: First Class (2011) lại hồi sinh tinh thần nhân văn bằng cách trở lại vấn đề thành lập Trường các thanh niên tài năng của giáo sư Xavier vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Và sau đó, X-Men đạt đỉnh cao với tập phim về hoán đổi thời gian X-Men: Days of Future Past (2014). Tập phim này đã khéo léo liên kết ba tập phim gốc với cuộc đấu tranh cho quyền tự do cá nhân trong thập niên 70.
Nhiều người vui mừng khi biết đạo diễn và nhà biên kịch của Days of Future Past, Bryan Singer và Simon Kinberg, tái hợp làm Apocalypse. Nhưng trong phần phim X-Men mới nhất này, sự thông minh, cộng hưởng và logic nội tại của phần trước dường như đã biến mất trong đám mây bụi do máy tính tạo ra.
Apocalypse là bộ phim khiến không ít người xem cảm thấy thương, thấy tiếc cho nhiều diễn viên góp mặt trong đó. Minh tinh Jennifer Lawrence vào vai người biến hình Mystique ủ rũ, đăm chiêu từ đầu tới cuối.
Nhưng Oscar Isaac (vai trùm Apocalypse) còn u ám hơn. Dưới sức nặng bộ giáp cao su và và các bộ phận giả được lắp đặt, hóa trang cầu kỳ, Isaac trông như thể không biết quyết định ăn mặc giống Hoàng đế Palpatine - chúa tể phe hắc ám trong Star Wars hay tiến sĩ Davros trong Doctor Who, nên đành mặc cả hai bộ đồ cùng lúc.
Bộ tứ kị sĩ
Isaac vào vai người đột biến hoang tưởng tự đại Apocalypse. Nhân vật này đang chuẩn bị cai trị thế giới vào năm 3600 trước công nguyên thì bị người Ai Cập cổ đại chôn vùi dưới một kim tự tháp.
Khi đào thoát khỏi đống đổ nát năm 1984, Apocalypse bị người của CIA, Moira MacTaggert (do Rose Byrne đóng) nhìn thấy. MacTaggert báo cáo sự tái xuất giang hồ của Apocalypse với giáo sư Xavier. Mỗi khi vọt ra, Apocalypse luôn có 4 trợ thủ (4 kị sĩ) và luôn gây ra thảm họa lớn.
Áp phích phim X-Men: Apocalypse đang chiếu rạp Việt Nam. |
Vì Apocalypse đã ở trong lòng đất 5,5 thiên niên kỷ, người ta có thể băn khoăn không biết nhân vật này gây ra những thảm họa gì và làm sao MacTaggert có thể biết về chúng. Nhưng có lẽ cô là một chuyên gia về lịch sử thời kỳ đồ đá mới cũng như là một đặc vụ CIA cừ khôi.
Vấn đề là ở chỗ, Apocalypse tháo cũi sổ lồng và đột nhiên quyết định xóa bỏ mọi thứ được xây dựng trên hành tinh này từ khi hắn bị chôn vùi. Tuy nhiên, trước khi làm được điều đó, Apocalypse phải tập hợp bộ tứ trợ thủ mới nhất, và việc chọn số bốn, chứ không phải con số khác, không bao giờ được giải thích.
Ngẫu nhiên, Apocalypse gặp ứng viên đầu tiên ngay sau khi hắn tái xuất giang hồ. Đó là Storm (do Alexandra Shipp đóng) – người điều khiển thời tiết do minh tinh thủ vai trong bộ ba X-Men đầu tiên. Hóa thân vai oắt con tuổi teen ở thập niên 80 nhưng Storm có thể thảo luận xã hội học bằng ba thứ tiếng.
Trợ thủ thứ hai là Psylocke (do Olivia Munn đóng) – người phụ nữ có khả năng ngoại cảm, phóng năng lượng dưới dạng lưỡi đao có thể đốt cháy kim loại.
Trợ thủ thứ ba là Angel (do Ben Hardy đóng) có cánh như chim. Trợ thủ thứ thư là Magneto – người sống ẩn mình sau các sự kiện trong tập phim trước Days of Future Past và giờ đây sống yên bình với vợ và con gái.
Angel |
Dạo đầu lê thê
Việc tuyển dụng trợ thủ của Apocalypse diễn ra ở khắp nơi và tốn nhiều thời gian. Nhưng hắn không phải là nhân vật duy nhất trong phim có ý định gặp gỡ người mới, tập hợp đội ngũ. Mystique cứu người dịch chuyển Nightcrawler (do Kodi Smit-McPhee đóng) khỏi một câu lạc bộ đánh nhau trong lồng ở Berlin, Đức. Scott Summers (do Tye Sheridan đóng), biệt hiệu Cyclops, trở thành học viên ngôi trường do giáo sư Xavier thành lập.
Tại đây, người bắn tia sáng hủy diệt này chạm mặt Jean Grey (do Sophie Turner đóng) – một trong những học trò cưng nhất của Xavier… Và việc tuyển dụng trợ thủ, giới thiệu nhân vật cứ thế tiếp diễn.
Một điểm yếu kinh niên của các bộ phim gần đây về siêu anh hùng là tính liên tục của cốt truyện liên tục bị phá vỡ để các nhân vật mới có thể trình làng. X-Men: Apocalypse đẩy sự việc lên một mức cao hơn. Trong nhiều phần của phim, cốt truyện không bị ngắt. Tất cả chỉ là lần lượt giới thiệu hết nhân vật này tới nhân vật khác. Đó là lý do tại sao rất ít nhân vật tạo được ấn tượng mạnh.
Bối cảnh thay đổi giữa Cairo (Ai Cập), Berlin và trường học của Xavier, phần lớn tập phim giống như khúc dạo đầu kéo dài nhàm chán, mãi không đi vào phần chính.
Tuy nhiên, có hai cảnh hành động được duy trì liên tục. Một cảnh rõ ràng là sự tái tạo một đoạn trong Days of Future Past – anh chàng Quicksilver (do Evan Peters đóng) chạy nhanh đến nỗi phần còn lại của thế giới đứng yên. Nhưng làm sao mà anh chàng này có thể ném người ta ra khỏi cửa sổ với vận tốc 1.600 km/h mà không khiến xương họ tan thành bột? Một cảnh nữa là đại tá Stryker (do Josh Helman đóng) bắt giữ nhiều người đột biến và sự xuất hiện thoáng qua của nhân vật Wolverine (Hugh Jackman thủ vai).
Trong các tập phim X-Men trước, Wolverine có khả năng tự hồi phục kỳ diệu. Nhưng trong Apocalypse, Wolverine là nhân vật thuộc dạng kim cương bất hoại, không thể bị thương. Binh lính bắn hàng trăm viên đạn ở cự ly gần, nhưng Wolverine không hề bị trầy xước.
Đoạn kết “chết người”
Có rất nhiều thứ dài dòng, vụn vặt như vậy diễn ra trước khi người xem chứng kiến trận giao tranh không thể tránh khỏi giữa đội của Apocalypse và đội của Xavier.
Tuy nhiên, cảnh đó cũng không đến mức đáng phải chờ lâu đến thế. Các nhân vật nhảy lên, bay lượn trông giả giả, kiểu như họ được treo lên bằng hệ thống dây dợ đã được xóa khỏi màn hình bằng kỹ thuật số.
Một số nhân vật đổi phe vào phút cuối, giống như các nhân vật siêu năng lực từng làm trong phim Avengers: Age of Ultron. Đám mây bụi do máy tính tạo ra bay vần vũ, xoáy tít.
Và cuối cùng, trận chiến kết thúc với thắng lợi không thuộc về đội dũng cảm nhất hay tinh quái nhất mà thuộc về đội có sức mạnh chết người nhất mỗi khi thi triển tuyệt kỹ của mình. Điều này không mang thông điệp giáo dục.
Trở lại Trường các thanh niên tài năng, các học viên sử dụng tài năng dịch chuyển đồ vật bằng ý nghĩ để sửa chữa một số hư hại mà ngôi trường phải gánh chịu. Nhưng với cầu Tháp, với cầu Brooklyn và những công trình biểu tượng khác thì sao?
Chúng đã bị Magneto, người bạn thảm sát của Xavier, làm cho tan nát. Rõ ràng, đây là vấn đề về hành động nhân đạo, lòng nhân đạo, đặc tính con người…