Nhìn lại 50 năm xây dựng và trưởng thành của tập đoàn Sông Đà, từ những “người lính thợ” ngày đầu tập sự làm thủy điện Thác Bà đến một tập đoàn kinh tế nhà nước hùng mạnh với gần 100 ngàn CBCNV như ngày hôm nay, người ta vẫn nói đến một “Tinh thần Sông Đà”, một tinh thần chinh phục khó khăn mà mọi thách thức được coi như môi trường rèn luyện.
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Sơn La. |
Bản lĩnh Lính - thợ
Ngày 01/6 được Tập đoàn Sông Đà chọn là ngày truyền thống. Vào ngày này cách đây tròn nửa thế kỷ (01/6/1961), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 214 TTg về việc thành lập Ban chỉ huy công trường thủy điện Thác Bà, sau được đổi thành Công ty Xây dựng thuỷ điện Thác Bà. Quyết định này đã trở thành quyết định lịch sử khai sinh ra ngành xây dựng thủy điện Việt Nam.
Thi công trong bối cảnh đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc trong tư thế vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ công trình, Thủy điện Thác Bà mãi mãi xứng đáng được lưu danh như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm của những người thợ xây dựng thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Việc hoàn thành thi công xây dựng công trình thủy điện Thác Bà cũng là hoàn thành khóa học đầu tiên của một thế hệ cán bộ quản lý và những người thợ về xây dựng thủy điện cho tương lai.
Năm 1975 lịch sử - đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội. Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vinh quang, đó là: Chinh phục Sông Đà, xây dựng nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á (thời kỳ đó) - thuỷ điện Hoà Bình, công suất 1.920MW với 8 tổ máy.
Chính trong thời gian này, tên của dòng sông Đà đã trở thành tên gọi mới của Công ty: Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà và năm 1979 được nâng lên thành Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà. Một trang sử mới của Tổng công ty được mở ra ngay trên vùng đất từng được coi là "ma thiêng, nước độc" này. Hàng vạn CBCNV, đặc biệt là những kỹ sư, những người thợ trẻ trên khắp mọi miền của đất nước về đây, đã không quản ngày đêm, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, bất chấp mọi hiểm nguy để làm việc với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc".
“Đây thực sự là thời kỳ mà mỗi khoảnh khắc sống đều mang trong nó tính sự kiện và giá trị đạo đức. Không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại khôn lường mà tập thể CBCNV Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà đã phải vượt qua” – ông Dương Khánh Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Sông Đà trân trọng nói về một thời kỳ không thể nào quên.
Năng lực hóa giải hoàn cảnh
Năm 1986, đất nước chuyển mình từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những ngày đầu của thời kỳ đổi mới biết bao khó khăn, bỡ ngỡ, bên cạnh đó, công trình thủy điện Hòa Bình lại bước vào giai đoạn cuối, hàng vạn cán bộ và người thợ phải đối mặt trước nguy cơ thiếu việc làm và đã có hơn 7.600 người phải thôi việc, nghỉ theo chế độ 176. Đây có thể coi là giai đoạn khó khăn, tổn thất về lực lượng của Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà.
Những ngày tháng khó khăn ấy được gọi là thời kỳ “Hậu Sông Đà”. Bản lĩnh, ý chí của người thợ Sông Đà lần này bị đặt trước những thử thách hoàn toàn mới, không dễ chinh phục như trên công trường. Nhưng, Sông Đà đã hóa giải được, thực hiện nhiều phương án phát triển SXKD theo hướng đa dạng hóa các loại hình kinh doanh nhưng vẫn giữ thế mạnh chủ lực là xây dựng các công trình thủy điện.
Ngoài việc mở ra các ngành nghề khác như may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì, dịch vụ vận tải, xây dựng dân dụng, kể cả tổ chức tăng gia chăn nuôi,... Tổng công ty đã tích cực tìm kiếm việc làm, đặc biệt, đã đầu tư 2 dự án xi măng tại Hòa Bình (năm 1992) và Gia Lai (năm 1994) với công suất mỗi nhà máy là 84.000 tấn/năm, mở ra bước ngoặt về chuyển đổi đa dạng hóa ngành nghề.
Ngay khi chúng tôi thực hiện bài viết này, một lần nữa Sông Đà và cả nước lại đứng trước những thách thức mới trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2011 của Tập đoàn chỉ rõ, mục tiêu, tiến độ tại các công trình trọng điểm rất căng thẳng, trong khi đó việc thu xếp vốn của chủ đầu tư không đảm bảo kịp thời đầy đủ, đặc biệt là các công trình của EVN, nên giá trị dở dang, công nợ tại các công trình rất lớn; mặt khác lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tăng quá cao, chi phí tài chính lớn, làm giảm đáng kể hiệu quả SXKD của các đơn vị.
Bên cạnh đó, do chính sách tài chính chặt chẽ của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, nên việc huy động vốn cho các dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án bất động sản. Nhiều dự án đang thực hiện nhưng không huy động được vốn để tiếp tục thực hiện đầu tư, nhiều dự án có nguy cơ bị thua lỗ, do chi phí tài chính quá cao… Mặc dù vậy, nhìn lại năm vừa qua, Tập đoàn vẫn hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch SXKD đề ra (tổng giá trị SXKD đạt 100% kế hoạch năm, doanh thu đạt 113%, nộp nhà nước đạt 124%, giá trị đầu tư đạt 101%).
Dự báo, trong năm mới 2012 tình hình cũng chưa thể khả quan hơn. Nhưng “gian nan thử sức”, có thể nói từ trong gian khổ khó khăn đã tôi luyện nên ý chí, bản lĩnh Sông Đà và với “tinh thần chinh phục” đã được trau dồi trải qua nửa thế kỷ, chúng tôi tin tưởng Sông Đà sẽ vẫn luôn tìm được cách hóa giải thành công mọi thách thức vì mục tiêu chung...
Ngày 12/01/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, với sự tham gia của các tổng công ty: LILAMA, DIC, LICOGI, COMA, Sông Hồng và Quyết định số 53 /QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà. Đây được coi là sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Tổng công ty Sông Đà cùng với tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước. Từ một đơn vị nhỏ làm nhiệm vụ thi công xây lắp nhà máy thuỷ điện Thác Bà năm 1961, chủ yếu là lao động giản đơn, cùng với bước đường phát triển của đất nước, Sông Đà đã từng bước trưởng thành vươn lên làm tổng thầu xây lắp, tổng thầu EPC, chủ đầu tư nhiều công trình trọng điểm của quốc gia như: Thủy điện Hoà Bình, Thuỷ điện Yaly; Thủy điện Sê San 3, Thủy điện Tuyên Quang; Đường dây 500Kv Bắc Nam; Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Đường Hồ Chí Minh… Đặc biệt, dưới mái nhà chung Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, hàng vạn kỹ sư, công nhân đã lao động hết mình đưa công trình xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La về đích trước 2 năm so với tiến độ Quốc hội đã định. |
Hà Hương