Tập đoàn FLC cũng cho biết, tính từ cuối tháng 4/2018 đến nay, có cơ quan báo chí đăng tải nhiều bài viết về dự án KCN Hoàng Long (tỉnh Thanh Hoá). Do không ghi nhận phản hồi từ phía nhà đầu tư nên nhiều bài viết có những nhận định không chính xác, cung cấp thông tin một chiều. Để cung cấp thông tin khách quan, nhiều chiều cho công luận, lãnh đạo Tập đoàn FLC đã chính thức lên tiếng, đánh tan những ngờ vực về Dự án này.
Nhiều thủ tục pháp lý phải triển khai để tiến hành đền bù, GPMB
Tháng 6/2015, UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hoàng Long.
Tuy nhiên để có thể thực hiện công tác đền bù và GPMB, dự án phải triển khai nhiều thủ tục pháp lý kéo dài 1,5 năm tiếp theo. Đặc biệt, các thủ tục quan trọng như Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000; Đấu nối đường từ dự án KCN Hoàng Long vào quốc lộ 1A; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp... đều phải lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành Trung ương và cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác, dự án KCN Hoàng Long có phạm vi triển khai rộng, thuộc địa giới hành chính của ba xã thuộc huyện Hoằng Hóa và ba xã thuộc Thành phố Thanh Hóa, khiến công tác điều tra, đo đạc, kiểm đếm, trích đo địa chính, GPMB… cũng gặp nhiều khó khăn.
Đến cuối năm 2016, tức khoảng 18 tháng sau thời điểm UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND huyện Hoằng Hóa mới chính thức có văn bản phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một phần diện tích của dự án KCN Hoàng Long thuộc địa bàn huyện. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để công tác đền bù, bồi thường và GPMB tại đây được chính thức tiến hành.
Theo quy định, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong quá trình GPMB là trách nhiệm của Nhà nước, cụ thể là Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).
Nói về dự án KCN Hoàng Long, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết không hiểu tại sao có nhiều bài viết thông tin chủ quan, phiến diện một chiều mang tính quy chụp, như cho rằng Tập đoàn FLC “chây ì trong việc đền bù, hứa suông cho người dân có đất nằm trong dự án” hay “đã hơn 3 năm dự án FLC vẫn đắp chiếu khiến cuộc sống của nhiều hộ dân khổ sở vì chưa nhận được tiền đền bù, đất canh tác bỏ hoang”….
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đền bù, bồi thường và GPMB tại dự án KCN Hoàng Long vẫn đang được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với mong muốn hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác GPMB nhằm xúc tiến việc triển khai dự án, Tập đoàn FLC đã tự nguyện xin ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, đền bù cho các tổ chức, cá nhân thuộc diện thu hồi đất, mặc dù việc này không phải nghĩa vụ bắt buộc của NĐT.
"Trên thực tế, trong giai đoạn 2016 - 2017, Tập đoàn FLC đã ứng trước đầy đủ kinh phí để đền bù, bồi thường cho các khu vực đã được tiến hành GPMB theo quy định tại huyện Hoằng Hoá. Nhiều khu vực còn lại chưa thực hiện công tác kiểm đếm, trích lục địa chính... đồng thời chưa xác định được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định, nên việc đền bù, GPMB chưa thể tiến hành" - lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết.
Tập đoàn FLC không hạn chế quyền canh tác của người dân tại KCN Hoàng Long
Cũng theo các quy định hiện hành, chỉ khi nào chính quyền hoàn thành công tác GPMB và bàn giao cho NĐT thì NĐT mới có quyền sử dụng đất.
Trước thời hạn này, việc người dân dừng canh tác hay không không thuộc thẩm quyền quyết định của NĐT. Trên thực tế, Tập đoàn FLC cũng không có bất cứ hành động nào mang tính chất hạn chế quyền canh tác trên đất của các hộ dân trong phạm vi dự án KCN Hoàng Long.
Do đó, thông tin “Tập đoàn FLC lấy đất làm dự án, dân có sản xuất được gì đâu” là không chính xác" - lãnh đạo Tập đoàn FLC thông tin thêm.
Điều chỉnh quy hoạch theo chiến lược phát triển mới của tỉnh Thanh Hóa
Từ đầu năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xem xét điều chỉnh quy hoạch dự án KCN Hoàng Long từ Khu công nghiệp thành Khu đô thị.
Việc điều chỉnh này bắt nguồn từ tốc độ đô thị hoá nhanh chóng tại thành phố Thanh Hoá, thành phố Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch nghỉ dưỡng trong những năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng định hướng phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, đô thị và vui chơi giải trí.
Theo quy hoạch và định hướng nói trên, việc triển khai dự án Khu công nghiệp Hoàng Long tại địa bàn huyện Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa không còn phù hợp. Dự án nằm tại cửa ngõ của thành phố Thanh Hóa, tiếp giáp mặt đường Quốc lộ 1 trên điểm trung chuyển Bắc – Nam, và là trung tâm của một vùng phát triển đô thị mới; do đó sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường đô thị và đời sống dân sinh nếu dự án khu công nghiệp được triển khai tại đây.
Chuyển đổi quy hoạch KCN Hoàng Long sang dự án Khu đô thị có thể giúp giảm tải dân số tập trung tại thành phố Thanh Hóa cũng như đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng gia tăng trong những năm tới.
Ngày 12/10/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn FLC, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu trình tự, thủ tục để điều chỉnh quy hoạch 1/2000 dự án KCN Hoàng Long sang dự án Khu đô thị.
Dự kiến trong thời gian điều chỉnh quy hoạch, công tác GPMB sẽ được UBND tỉnh xem xét lại. Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Tập đoàn FLC để tiếp tục thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu