Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2022, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đổi mới toàn diện phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nội dung xuất bản các ấn phẩm, tin, bài bám sát định hướng, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, mang lại những thành công trong công tác truyền thông khoa học pháp lý, chính sách, pháp luật.
Thể chế nội bộ về tổ chức và hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã được hoàn thiện, bổ sung đầy đủ, tạo cơ sở cho việc đổi mới các hoạt động chuyên môn của đơn vị. Năm 2022 cũng là năm Tạp chí đã mạnh dạn đề xuất và được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, trình Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép các ấn phẩm định kỳ hàng tháng với dung lượng đầy đặn hơn (số kỳ 1 là 90 trang, số kỳ 2 là 64 trang) cùng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử, tạo điều kiện cho việc phản ánh đầy đủ, kịp thời các lĩnh vực nghiên cứu pháp lý và thực tiễn công tác tư pháp.
Trong năm, Tạp chí đã xuất bản 10 ấn phẩm chuyên sâu 200 trang đã được hoàn thành với hàm lượng khoa học cao, góp phần định hướng tốt cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở trong và ngoài ngành Tư pháp, bảo đảm đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về truyền thông chính sách, pháp luật.
Trong đó, Tạp chí đã quan tâm liên kết với Đại học Luật, Đại học Quốc gia xuất bản ấn phẩm về “Chính sách pháp luật về đất đai” đã cung cấp những luận cứ cho việc xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xuất bản các chuyên đề nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật, đánh giá và hướng dẫn thi hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, rất hữu ích cho cán bộ, công chức trong Ngành Tư pháp (như số chuyên đề về “Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật”, số chuyên đề “Những nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính”…).
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật và các sự kiện chính trị - pháp lý trên Trang thông tin điện tử đã kịp thời hơn, bám sát các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của ngành Tư pháp. Các mặt hoạt động về tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, hành chính tổng hợp, văn thư lưu trữ được triển khai bài bản, toàn diện, minh bạch, công khai, công bằng, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tốt cho các hoạt động chuyên môn của đơn vị.
Năm 2022 cũng là năm Tạp chí tròn 45 năm và vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc mở rộng ấn phẩm tạp chí, liên kết xuất bản vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển; công tác truyền thông sự kiện của Bộ, ngành còn hạn chế, Tạp chí mới chỉ dừng lại ở việc đưa tin kịp thời, đầy đủ hơn về các sự kiện lớn...
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã ghi nhận, biểu dương những thành tích và sự nỗ lực cố gắng của tập thể Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Thứ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến Bộ, ngành Tư pháp nói chung và tạp chí Dân chủ Và Pháp luật nói riêng. Là cơ quan báo chí thuộc Bộ, ngành Tư pháp, Tạp chí cần tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tham mưu giúp Đảng và Nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 27 đã đề ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ với sự ra đời của rất nhiều các ấn phẩm, tạp chí, chuyên trang điện tử.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh kết luận Hội nghị. |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị, trong thời gian tới, Tạp chí cần nhìn nhận, đánh giá vị trí và cơ hội phát triển của Tạp chí trong bối cảnh mới; hoạch định chiến lược phát triển cụ thể; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ đi đôi với chủ động tìm kiếm các đối tác, đội ngũ cộng tác viên để có được những bài viết, ấn phẩm có giá trị hàm lượng lý luận, khoa học và thực tiễn cao, xứng đáng là một trong những Tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật. Tăng cường công tác biên tập bảo đảm nội dung các ấn phẩm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Tư pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Vũ Hoài Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, phải tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật; xây dựng kế hoạch tham gia Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ; tiếp tục phát huy và đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa.