Thảo luận tại Hội trường chiều 10/6 về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để chi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là thêm 3.500 tỷ.
Vào thời điểm cuối năm 2019 thì vốn điều lệ Agribank là 30.591 tỷ. Như vậy khi bổ sung thì được khoảng 34.000 tỷ. Theo Đại biểu Ngân, tăng vốn điều lệ cho Agribank có 4 điểm quan trọng.
Thứ nhất là góp phần tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho một ngân hàng thương mại mà theo Hiệp định Basel II và theo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì phải đạt ít nhất là 9%. Cuối năm 2019, Agribank chỉ đạt ở mức 8,66%, đến tháng 3 thì đạt khoảng 9,2% cho nên việc tăng này là cần thiết.
Thứ hai, việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ tăng sức chịu đựng của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động rất bất thường.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất cần sự hỗ trợ từ các cấp và trong đó các chính sách hỗ trợ để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Đối với những ngân hàng có tỷ trọng lớn ở khu vực này nên được hưởng chính sách lợi nhuận, thuế thấp đi để khuyến khích giảm lãi suất, giảm chi phí. Ngoài ra thì cũng phải hỗ trợ đầu tư về kết cấu hạ tầng nông thôn.
Điểm thứ tư và là điểm quan trọng nhất. Đó là chi bổ sung thêm 3500 tỷ đồng cho Agribank không phải là chi tiêu dùng mà là một khoản chi đầu tư.
“Cho nên đầu tư vào Ngân hàng Nông nghiệp hiệu quả và nếu như ngân hàng này cổ phần hóa thì chúng ta thu hồi vốn được”, ông tin tưởng.
Tuy nhiên, Đại biểu Ngân đưa ra một số đề nghị với lãnh đạo Agribank. Thứ nhất là khi phát triển thêm mạng lưới chi nhánh nên ưu tiên trong lĩnh vực nông thôn, hạn chế bớt các chi nhánh ở đô thị, vì sở trường của Agribank là nông nghiệp, là nông thôn.
Kiến nghị thứ hai là Agribank tăng cường thêm hoạt động của các ngân hàng di động. "Mặc dù thời gian qua chúng ta có chú ý việc này, có mở rộng được khoảng 68 xe lưu động nhưng vẫn cần phải đầu tư thêm khi chúng ta có vốn tự có" - Đại biểu kiến nghị.
Kiến nghị thứ ba là mở rộng hơn tín dụng tiêu dùng đối với hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa bởi mở rộng được điều này sẽ đấu tranh đẩy lùi được cho vay nặng lãi, đẩy lùi được tín dụng đen ở khu vực này.
Kiến nghị thứ tư là người nông dân Việt Nam còn thiếu kiến thức về quản lý tài chính nên khi ngân hàng cho vay phải đi liền với dịch vụ tư vấn về tài chính để giúp nông dân quản trị, nắm bắt được, quản lý được dòng vốn của mình và sử dụng được phương thức cho vay như thế nào để hiệu quả, để giảm chi phí trả lãi của ngân hàng. Theo Đại biểu Ngân, "Dịch vụ này phải là dịch vụ miễn phí".
Kiến nghị thứ năm là quan tâm đầu tư hơn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu về giống mới, chủng mới… để tạo điều kiện nông nghiệp phát triển chất lượng và trong đó quan tâm đến các chương trình, tài trợ cho các hoạt động tư vấn về sản xuất nông nghiệp và trồng trọt và chăn nuôi...