Sự ra đời của Luật Hộ tịch tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý hộ tịch của Việt Nam theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Có thể khẳng định, công tác triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã được củng cố, kiện toàn. Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hộ tịch đã được quan tâm, nhận thức của người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch đã được nâng lên, tỷ lệ đăng ký hộ tịch tăng cao.
Đồng thời, người dân cũng đã nâng cao nhận thức về tầm trọng của giấy tờ hộ tịch, tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật. Dữ liệu hộ tịch đã được hình thành với hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài. Số liệu thống kê, báo cáo được bảo đảm chính xác hơn, bước đầu đáp ứng yêu cầu tra cứu cũng như cấp các giấy tờ hộ tịch của cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, lưu trữ dữ liệu về hộ tịch đã được triển khai ở các địa phương. Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hộ tịch đối với công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân ngày càng được khẳng định.
Bên cạnh đó, ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/1/2022 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP đã quy định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai phương thức đăng ký hộ tịch trực tuyến, ban hành biểu mẫu hộ tịch điện tử có giá trị sử dụng hoặc cung cấp nguồn thông tin như biểu mẫu hộ tịch giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền đăng ký hộ tịch bằng các phương thức hiện đại, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện việc đăng ký hộ tịch, góp phần tăng khả năng tiếp cận quyền đăng ký hộ tịch cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn cần nhìn nhận trên thực tế rằng công tác đăng ký, quản lý hộ tịch vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước tập trung ưu tiên thực hiện chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, một số quy định của pháp luật hộ tịch cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chủ trương đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch, được biết Bộ Tư pháp trong thời gian tới sẽ tổng hợp, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật hộ tịch; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch, trong đó ưu tiên các giải pháp để thực hiện tốt, có hiệu quả đăng ký hộ tịch trực tuyến và liên thông các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng biểu mẫu hộ tịch điện tử, nâng mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục đăng ký hộ tịch; nghiên cứu, đề xuất đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tập trung.