Chủ động nắm bắt, kiểm soát tình hình
Thời gian vừa qua, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng liên tục xảy ra. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, trong năm 2020, toàn lực lượng đã kiểm tra 4.493 vụ việc liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, xử lý 1.285 vụ việc, số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, số vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Một số vụ việc lớn đã được phát hiện, triệt phá như: Mua bán hóa đơn trái phép tại Doanh nghiệp Xăng dầu Phát - Petraco (Hải Phòng); sản xuất buôn bán xăng giả tại Công ty Mỹ Hưng (Sóc Trăng) và mới đây là vụ việc triệt phá đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai…
Do đó, năm 2021, xăng dầu là nhóm ngành hàng được ưu tiên, lựa chọn kiểm tra, thanh tra trong Kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Tổng cục QLTT. Ngay từ đầu năm, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng xăng dầu.
Ngay sau đó, lực lượng QLTT một số tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể, chủ động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng.
Cụ thể, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu còn kiểm tra việc ghi thông tin trên các cột đo xăng dầu; kiểm tra giấy chứng nhận kiểm định các cột đo xăng dầu, phương tiện đo, bình đong đối chứng; kiểm tra niêm phong, kẹp chì tại các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của các cột đo xăng dầu; kiểm tra sai số kết quả đo lượng xăng dầu trên bình chuẩn; kiểm tra chất lượng bằng máy test nhanh, trong trường hợp có nghi vấn về chất lượng sẽ tiến hành lấy mẫu theo quy định để kiểm tra sự phù hợp của xăng dầu với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT sẽ trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh xăng dầu các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí...; tuyên truyền các tác hại của việc kinh doanh, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… Đồng thời thực hiện ký cam kết không vi phạm các quy định của Chính phủ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, xăng giả, xăng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tập trung vào các tỉnh trọng điểm phía Nam
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục QLTT, Cục QLTT Yên Bái đã có công văn triển khai công tác, tập trung nguồn lực tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
Đại diện Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Yên Bái) cho biết, Đội luôn chủ động nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh mặt hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Yên Bái để kịp thời phát hiện các đối tượng pha trộn, vận chuyển, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, rà soát thống kê, cập nhật đầy đủ vào sổ bộ, trên hệ thống INS các dữ liệu tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Đội thường xuyên chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, sẵn sàng lấy mẫu giám định chất lượng đối với mặt hàng xăng dầu khi cần thiết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng.
Tại Long An, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục QLTT Long An chỉ đạo các Đội QLTT, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Cục QLTT Long An cho biết, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, các Đội QLTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, tiến hành kiểm tra hàng chục cơ sở kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch kiểm tra định kỳ đã được phê duyệt.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ, do tình hình diễn biến kinh doanh xăng dầu khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ khá phức tạp nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là lý do mà Tổng cục đã chỉ đạo các toàn bộ các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, tập trung vào những tỉnh, thành trọng điểm, thường xuyên xảy ra vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, Cục QLTT thành phố đã trình Chủ tịch UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 thành phố phương án kiểm tra chuyên đề năm 2021 đối với mặt hàng xăng dầu trên toàn địa bàn và đã được phê duyệt. Ông Linh khẳng định, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục nâng cao công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.