Những tài năng của nước nhà bị “lãng quên”
Đã 16 năm trôi qua, nhắc đến Nhữ Thị Khoa (SN 1971, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) hẳn nhiều người sẽ cảm thấy cái tên đó, sao nghe có chút gì quen quen. Vào quãng thời gian 2003-2005, chị từng được mệnh danh là "cô gái vàng" của làng thể thao Việt Nam.
Từ lâu, đôi tay của chị Khoa đã kiêm thêm nhiệm vụ làm đôi chân giúp chị di chuyển.
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở Ứng Hòa, chị Khoa vốn lành lặn như bao người khác. Nhưng cơn sốt khi chị lên 3 tuổi đã làm cho đôi chân chị trở nên tật nguyền. Chị gắn bó với xe lăn từ đó.
Không chịu đầu hàng số phận và muốn được tự lập, chị Khoa theo bạn bè ra thành phố mưu sinh. Chị chọn cho mình công việc bán bánh mì trên đường Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để có thu nhập.
Cái duyên với bộ môn thể thao điền kinh đã đưa chị tới với những buổi tập cùng đồng đội, trên các chặng đường đua dành cho người khuyết tật và chị bắt đầu chinh phục những đỉnh cao.
Lần đầu tiên, công chúng nhớ tên chị là vào năm 2003 khi chị tham gia giải Tiền Para Games (Hà Nội) và bất ngờ giành được 3 HCV. Đang đà bước lên bục vinh quang, tháng 12/2003, tại giải Para Games 2 (Việt Nam), chị Khoa tiếp tục giành được 5 HCV. Năm 2005, tại giải Tiền Para Games, VĐV khuyết tật Nhữ Thị Khoa bước lên đỉnh cao của sự nghiệp thi đấu khi xuất sắc giành được 3 HCV và đến Para Games 3 (Philippines) đạt được 5 HCV (trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) đồng thời phá 3 kỷ lục Para Games.
Với những đóng góp đó, trong hai năm 2003, 2005, chị được bầu chọn là 1 trong 5 vận động viên xuất sắc đồng thời được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì cùng nhiều bằng khen của các ban, ngành.
Đối với một người khuyết tật như chị Khoa, con số 16 HCV thực sự là một điều không tưởng. Những ánh hào quang rực rỡ trong sự nghiệp cứ ngỡ sẽ giúp chị thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và vươn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai nhưng trái lại, phía sau đấu trường Para Games, cuộc đời chị vẫn tiếp tục viết lên những trang u ám, đượm buồn như nó vốn có từ khi chị sinh ra.
VĐV Nhữ Thị Khoa |
Cùng tương tự, ở lĩnh vực bóng đá, Thái Sung từng được báo chí và nhiều người gọi là “Messi Việt Nam” hay “thần đồng bóng đá”. Năm 2010, Sung là cầu thủ từng vượt qua 27.000 thí sinh trong nước và 40 thí sinh quốc tế để được suất học bóng đá tại Học viện Aspire Qatar trong ba năm. Đồng thời, là cầu thủ duy nhất Đông Nam Á lọt vào top 10 cầu thủ trẻ xuất sắc nhất ở giải trẻ châu Âu mở rộng năm 2010.
Thái Sung là cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này được học viện bóng đá Aspire của Qatar tuyển chọn và đào tạo. Thái Sung nổi bật ở học viện bất chấp việc phải so đọ về thể hình, thể lực với các cầu thủ đến từ khắp nơi trên toàn cầu. Sung chiếm được vị trí chính thức ở vai trò hộ công và anh thật sự nổi bật.
Bi kịch của Thái Sung, cầu thủ sinh năm 1994 ở Đà Nẵng đã được kể đi kể lại rất nhiều lần từ khi anh trở về Việt Nam chơi bóng. 3 năm được tôi luyện ở Học viện Aspire và thi đấu khắp các giải trẻ ở châu Âu giúp Thái Sung có cơ hội ở lại chơi bóng cho Sporting Lisbon nhưng không thành.
Thái Sung có hợp đồng đào tạo trẻ với CLB Đà Nẵng nên phải trở về phục vụ quê hương. Tư duy chơi bóng khác biệt từ 2009-2012 ở Qatar của Sung quá khác với lối chơi bóng dài và thiên về thể lực ở V.League. Vì vậy, tài năng trẻ này không phù hợp với đội bóng và thường xuyên phải ngồi dự bị.
Anh được chuyển nhượng từ Đà Nẵng sang Hà Nội (giờ là CLB Sài Gòn) rồi lại vào đội hạng Nhì Kon Tum, gần đây nhất là đội hạng Nhất Long An. Cuộc phiêu bạt của học viên Aspire có lẽ là chưa từng có trong lịch sử của học viện nổi tiếng thế giới này. 7 năm trôi qua và mọi thứ vẫn không có gì thay đổi.
Thái Sung từng được so sánh như Messi, niềm tự hào của đất Việt nhờ khả năng kỹ thuật tốt và tốc độ mau lẹ |
Ít được thi đấu, không có cơ hội thể hiện, Nguyễn Thái Sung dần chìm vào quên lãng. Các lứa đội tuyển trẻ của Việt Nam trong thời gian ấy chỉ đúng một lần gọi tên Thái Sung lên U21 Việt Nam năm 2014. Từ đó trở đi, ngay bản thân cầu thủ này cũng không muốn được nhắc đến với tư cách học viên Aspire.
Nhưng tư duy chơi bóng và kinh nghiệm chơi bóng của Aspire vẫn còn đâu đó trong những đường bóng của Thái Sung. Mong ước thiết tha nhất của tiền vệ tổ chức tấn công này là được thi đấu hàng tuần, chỉ vậy là đủ sau ngần ấy thời gian dự bị, xách nước cho các đồng đội khác thi đấu.
Cuộc sống sau ánh hào quang
Khi trở về sau ánh hào quang để làm tròn thiên chức người mẹ với đôi chân khuyết tật, Nhữ Thị Khoa gần như “trắng tay”.
Một mình một xe lăn, Nhữ Thị Khoa kiên cường đấu tranh với sự xô đẩy khắc nghiệt của cuộc sống. Không tìm được công việc ổn định, chị tự mình lặn lội đi bán bánh mỳ trên phố Trần Xuân Soạn. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi cho đến một ngày, duyên số đã đưa chị đến với bộ môn thể thao điền kinh dành cho người khuyết tật.
Vất vả sớm hôm tập luyện, cống hiến sức mình cho sự nghiệp thể thao, "cô gái vàng" ấy từng cảm thấy vô cùng mãn nguyện và hạnh phúc khi liên tiếp gặt hái được nhiều thành công trong thi đấu. Tuy nhiên, những tấm HCV ấy lại không giúp cuộc sống của chị Khoa được cải thiện. Khi bước ra khỏi những đường chạy trên xe lăn, nhà vô địch Nhữ Thị Khoa lại tất bật với công việc mưu sinh bán bánh mỳ rong trên đường phố Hà thành.
Hình ảnh kỷ lục gia thể thao Nhữ Thị Khoa bán bánh mỳ mưu sinh, chữa bệnh cho con gái khiến nhiều người nhói lòng |
Sự nghiệp của chị dừng lại khi “cô gái vàng” ấy, dù đang ở đỉnh cao để xây dựng gia đình vào năm 2005. Nhưng mãi sau này chị mới phát hiện ra, một sự thật nghiệt ngã, người “đầu ấp tay gối” với mình đã có vợ...
Năm 2006, bé Yến Chi ra đời giúp chị có thêm động lực để tự mình vượt qua những nỗi đau, những khó khăn mà cuộc sống liên tiếp đổ dồn xuống đôi vai gầy của chị.
Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, tháng 8/2014, bé Yến Chi – đứa con gái và là niềm hạnh phúc duy nhất của chị được các bác sỹ chẩn đoán mắc chứng bệnh rối loạn sinh tủy. Còn với Nguyễn Thái Sung đã rời Đà Nẵng, nơi anh từng có hợp đồng ràng buộc, cũng là nơi từ chối cho anh cơ hội thi đấu ở châu Âu. Nếu khi đó, Thái Sung khoác áo CLB thuở nhỏ của Cristiano Ronaldo – Sporting Lisbon thì giờ câu chuyện cầu thủ Việt xuất ngoại cũng không ồn ào đến thế.
Trở thành cầu thủ tự do, Thái Sung quyết định ký với Long An 2 năm để có cơ hội ra sân nhiều hơn. Cầu thủ mang áo số 27 có một mùa giải 2018 khá ưng ý khi được thi đấu. Đó là tất cả những gì anh muốn, chứ những giấc mơ những cơ hội trước đó giờ đã quá xa vời với cầu thủ 24 tuổi.
Sa sút phong độ Thái Sung thường xuyên ngồi dự bị |
Nhưng rồi may mắn tiếp tục không mỉm cười với anh. Vừa qua khi tập trung lại cùng CLB Long An, Thái Sung bị đứt dây chằng gối trái. Anh phải tạm xa bóng đá ít nhất 6 tháng để điều trị. Chấn thương đến đúng lúc cựu học viên Aspire đang lấy lại cảm hứng thi đấu tốt nhất mình từng có.
Mặc dù ca mổ thành công tốt đẹp nhưng nó cũng không khiến cầu thủ sinh năm 1994 phải tiếc nuối. “Thứ nhất là tôi muốn được thi đấu càng nhiều càng tốt và muốn đưa Long An trở lại V.League càng sớm càng tốt”, Thái Sung nói. Có lẽ, mục tiêu này của anh phải gác lại thêm một năm nữa.
Và dù cho muốn hay không, người ta vẫn không thể phủ nhận Nguyễn Thái Sung chính là một học viên Aspire lừng lẫy. Và cũng cần phải coi lại cách mà bóng đá Việt Nam đã và đang đối xử với nhân tài bóng đá, không lẽ học viên Aspire không thể có chỗ đứng ở bóng đá nước nhà?