[links()] Bên cạnh những thành công trong quá trình hội nhập, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập như trình độ quản trị, nguồn nhân lực còn yếu, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, thanh khoản thấp…Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách phải tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại, bắt đầu từ giải quyết nợ xấu và rào cản của thủ tục vay vốn…
Gỡ “nút thắt” nợ xấu
Ở Việt Nam hiện có trên 80 ngân hàng, một số lượng quá nhiều so với nhu cầu của nền kinh tế. Số lượng nhiều, cạnh tranh mạnh đã dẫn đến một số ngân hàng quy mô nhỏ năng lực yếu kém, thiếu hụt vốn và khả năng thanh khoản. Theo thạc sỹ Vũ Thị Phương Hoa - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng chiếm đến 75% tổng tài sản của khu vực tài chính.
Minh họa Internet |
Do những khó khăn của kinh tế vĩ mô, nợ đọng của DN kinh doanh sản xuất tăng kèm theo sự trì trệ của thị trường chứng khoán và đóng băng của thị trường bất động sản khiến gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước ước tính, đến cuối quý 1, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,6%, tương đương khoảng hơn 85.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Đặng Đức Thành - Tổng Giám đốc Cty Căn nhà mơ ước thì nợ xấu đang “kẹt” nhất ở ngân hàng, và nợ xấu ngân hàng lại tập trung ở bất động sản, muốn tháo bỏ “nút thắt” này phải giải quyết gốc vấn đề tại sao phát sinh nợ xấu ngân hàng.
Lý giải về cái gốc phát sinh nợ xấu, ông Thành cho rằng: Xuất phát từ 2007, thời điểm “thịnh” của bất động sản, nhiều người đổ xô đi mua bất động sản, thậm chí những người không có “nghề” kinh doanh bất động sản cũng chạy theo phong trào để kiếm lời. Nhiều ngân hàng đã sai khi phá vỡ quy định, chẳng hạn một đơn vị chỉ được phép vay không quá 3 lần vốn điều lệ thì ngân hàng lại cho vay gấp mấy chục lần vốn điều lệ.
Nhấn mạnh việc tháo gỡ “nút thắt” nợ xấu khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ông Trần Quốc Mạnh - Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn cho rằng cần bước qua “ngưỡng cửa” nợ xấu trước khi bước vào tái cấu trúc và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Nợ xấu tồn tại trong chính yếu kém của ngân hàng (do năng lực thẩm định có hạn) và DN (do năng lực sản xuất kinh doanh của chưa khoa học, chín chắn...).
Nhiều ngân hàng đã có những giải pháp như “khoanh nợ”, “đảo nợ” nhưng đó chưa phải là giải pháp căn cơ. Vì vậy, Nhà nước phải đứng ra mua lại nợ xấu chính là mua lại khó khăn của nền kinh tế, vấn đề là mua như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.
Theo ông Mạnh, không nên mua nợ xấu rồi khoanh lại để đó mà phải mua theo cơ chế thị trường, phân tích một cách cơ bản, khoa học từng món nợ xấu và thẩm định luôn “sức khỏe” từng DN thông qua những món nợ xấu này; sau đó mua lại một cách sòng phẳng giữa DN, ngân hàng và Cty mua bán nợ.
Thay “rào cản” vay vốn
Nợ xấu hiện đang như “cục máu đông” làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế, dù hạ lãi suất DN cũng khó tiếp cận được vốn. Gỡ nợ xấu là yêu cầu cấp thiết nhưng chính ngân hàng cũng cần thay đổi rào cản vay vốn và “cái nhìn” đối với DN.
Theo ông Đặng Đức Thành, trong năm 2007, hàng ngàn Cty bất động sản ra đời, hoạt động không đúng chức năng, nhiều DN dầu khí, điện lực… bổ sung chức năng để làm bất động sản. Bởi vậy, quan trọng nhất bây giờ phải cắt ngay từ gốc, kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền, thiết lập kỷ cương ngân hàng, khi đưa tiền ra phải chấp hành đúng những quy định do chính ngân hàng đưa ra. Bộ Tài chính cũng đã ra quy định vay 3%, tức một đơn vị không được vượt quá ba lần vốn điều lệ, từ kỷ cương này mới đi vào trật tự để xử lý nợ xấu.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, tái cấu trúc cũng nên chú ý “cái nhìn” của ngân hàng đối với DN. Tình hình kinh tế càng khó khăn, các DN nhỏ và siêu nhỏ càng bị ảnh hưởng, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng lãi suất cao phần lớn là do không biết làm dự án vay vốn, báo cáo tài chính không rõ ràng, không minh bạch hoặc không có tài sản thế chấp dù dự án khả thi đến đâu. Ngược lại, các ngân hàng không nhìn vào dự án khả thi và khả năng trả nợ mà cứ nhìn vào tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách Nhà nước về quản lý ngân hàng còn nhiều vấn đề tháo gỡ, chẳng hạn nhiều DN muốn đến đảo nợ thì ngân hàng cho rằng không có cơ chế đảo nợ, ngân hàng không có văn bản nào cho phép đảo nợ. DN không thể vay mới, nợ xấu không giải quyết khiến không ít DN cho rằng ngân hàng không san sẻ, đồng hành cùng DN. Giải thích, nhiều ngân hàng cho biết, bản thân các ngân hàng cũng muốn nhìn vào sự minh bạch, dự án khả thi của doanh nghiệp để cho vay nhưng báo cáo tài chính của DN không đáng tin…
Rõ ràng, tái cấu trúc không là việc riêng của hệ thống ngân hàng, mà cần đặt trong mối quan hệ chung của nền kinh tế và cộng đồng DN. Hạ thấp nợ xấu, thông thoáng các thủ tục vay vốn sẽ sớm tạo nên “cửa thoát” sớm cho nền kinh tế vốn đang vô cùng khó khăn…?
“Bệnh lạ” không phải do chất độc quân sự
Trước tình hình bệnh viêm da sừng lòng bàn tay bàn chân ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tăng đột biến, UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ tìm nguyên nhân gây bệnh.
Sau gần một tháng lấy mẫu đất, mẫu nước xét nghiệm, Viện Môi trường hóa học môi trường quân sự (Bộ Quốc phòng) vừa công bố kết quả khảo sát ở khu vực có nhiều người mắc bệnh. Đại tá Đinh Ngọc Tấn - Viện trưởng - cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số vi sinh vật trong mẫu nước là cao, chứng tỏ nguồn nước suối cạnh làng Rêu, xã Ba Điền bị ô nhiễm, còn các chất khác không vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, chất dioxin mà thời gian qua nhiều chuyên gia đặt giả thiết là nguyên nhân gây bệnh cũng không phát hiện được trong mẫu đất và mẫu nước ở khu vực này.
Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi, kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 19/4/2011 đến ngày 15/6/2012, đã có 239 người mắc bệnh, nhiều nhất là Ba Điền; trong đó có 23 trường hợp đã tử vong, 45 người bị tái phát. Hiện có 28 ca đang nằm điều trị tại các cơ cơ sở y tế từ huyện đến Bệnh viện Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh.
Đăng Lâm