Sức sống ở nơi “khó, khô, khổ”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ninh Thuận - tỉnh ven biển thuộc cực Nam khu vực Nam Trung Bộ với địa hình đa dạng, phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, Bắc vào Nam, vừa có địa hình miền núi, vừa có trung du và đồng bằng ven biển. Khí hậu khắc nghiệt vì chịu sự chi phối của những quy luật phức tạp, nên dân gian nói về Phan Rang - Tháp Chàm (TP trực thuộc tỉnh) thường ví von “Gió như phang, nóng như rang”.

Dự Hội nghị công bố quy hoạch Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nhắc về quá khứ vùng đất này, đã chia sẻ đồng cảm Ninh Thuận từng là một tỉnh nghèo, gắn với “3 chữ kh” là “khó, khô, khổ”.

Thế nhưng, xác định khí hậu là loại tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, có thể sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Thuận đã “biến điểm yếu thành điểm mạnh”.

Trong nông nghiệp, Ninh Thuận đã nhân rộng những mô hình nuôi trồng các loại cây phù hợp thời tiết khô hạn, ưa nắng như nho, táo; các loại gia súc như cừu…

Trong du lịch, miền đất cát trắng, nắng vàng với Vườn Quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Champa còn nguyên vẹn, có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như: Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương… khiến du khách một lần đến là lưu luyến mãi không thôi. Bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời, là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em với nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc; cũng là một yếu tố độc đáo trong du lịch.

Bờ biển dài 105km không chỉ là 1 trong 4 ngư trường lớn cả nước; mà còn là điều kiện thuận lợi, tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản… Điều kiện khí hậu đặc trưng bị đánh giá “khắc nghiệt” với nắng gió mạnh, nay là lợi thế lớn phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời. Những dự án điện năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận không chỉ giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, còn tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Những năm gần đây, Ninh Thuận đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Nằm trên giao điểm 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có hệ thống giao thông đồng bộ, đủ loại hình phương thức vận tải; nên việc xây dựng nâng cấp hạ tầng giao thông, như đường cao tốc và cảng biển, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp Cà Ná, Phước Nam… đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư.

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt mới đây, Ninh Thuận phát triển theo hướng thu hút đa dạng, tích hợp các nguồn lực, tập trung 5 trụ cột phát triển chính: Năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo, với “3 chữ kh” là “khó, khô, khổ”, song bằng sức sống mãnh liệt, đã và sẽ vươn lên mạnh mẽ; thể hiện năng lực biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể để vươn lên, tiến kịp, đi cùng”.

Số liệu Cục Thống kê Ninh Thuận công bố cho thấy trong những tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,26% so với cùng kỳ 2023, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước, xếp thứ 3/14 các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; một lần nữa cho thấy nhận xét, kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ về sức sống Ninh Thuận là chính xác, đúng đắn.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.