Đây được coi là sự kiện quan trọng “3 trong 1” đối với vùng Tây Nguyên, gồm 3 nội dung chính: Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra những mục tiêu phát triển và người dân Tây Nguyên được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong tương lai gần. Có đi Tây Nguyên, có hiểu cái được và mất của Tây Nguyên mới hiểu “xanh – hài hòa – bền vững” có ý nghĩa quan trọng với Tây Nguyên.
Nói đến Tây Nguyên là nói đến một vùng trù phú, đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu và ai cũng nghĩ đến màu xanh. Tuy nhiên, rừng còn không nhiều, đất đai cũng đã bạc màu và chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.
Giai đoạn đến năm 2030, Chương trình hành động của Chính phủ xác định mục tiêu phấn đấu với các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. Đến 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 160 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%...
Vấn đề hiện nay là làm sao huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường và các vấn đề hệ trọng khác?
Không Chính phủ nào “làm thay” được chính quyền các tỉnh Tây Nguyên nếu không có quy hoạch, quy hoạch thiếu tầm nhìn và thiếu tính liên kết vùng. Không ai làm thay được nhân dân Tây Nguyên, với tư cách là những người chủ thực sự của đất, của nước, của môi trường, sinh thái, của rừng và của không gian văn hóa Tây Nguyên.
Nếu như trong định hướng của Chính phủ xác định vùng Tây Nguyên như là một “lá phổi xanh”, một “viên ngọc xanh”; là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn thì chắc chắn phải có những chính sách, chiến lược rất sát và đặc thù cho khu vực này.
Nhà nước đã và đang làm, nhưng Tây Nguyên đã và đang cần. Đó là, những vấn đề về đầu tư hạ tầng, kho bãi, logistics, chính sách hỗ trợ và ưu đãi đặc biệt về nguồn vốn, thuê đất…; tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư; chính sách về hướng nghiệp, đào tạo nhân lực trong vùng.
Hy vọng các giải pháp mang tính đột phá được ban hành kịp thời, khả thi, chứ không phải dừng ở định tính.