Là cơ quan quản lý nghiệp vụ, tuy nhiên, nếu một DN đấu giá đột ngột xuất hiện trên địa bàn rồi đột ngột ra đi thì Sở Tư pháp cũng không thể kiểm soát. Đó là tình trạng xảy ra như “cơm bữa” trong hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS).
Một phiên bán đấu giá tài sản |
Nhiều DN không tuân thủ pháp luật
Ông Trần Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình - cho biết, có một thực tế mà cơ quan Tư pháp địa phương không thể “quản” nổi đó là việc tự nhiên, chi nhánh một DN BĐGTS đến địa bàn rồi đăng thông báo hành nghề mà không báo cáo với Sở Tư pháp. Thực tế này đã xảy ra ở Quảng Bình, Sở Tư pháp hoàn toàn không biết doanh nghiệp đó có trụ sở tại đâu, ai là giám đốc, kinh doanh trong những lĩnh vực nào…
Hiện nay, theo quy định của Luật DN thì các DN BĐGTS đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch đầu tư và Sở Tư pháp thực hiện quản lý nghiệp vụ BĐGTS. Tuy nhiên, do chưa có quy định về cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở kế hoạch - Đầu tư nên việc nắm bắt, quản lý các DN đấu giá đối với cơ quan Tư pháp còn nhiều khó khăn. Đây là thực tế của nhiều địa phương trên cả nước.
Cũng về vấn đề này, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, nhận thức của DN BĐGTS cũng như vị trí, vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về BĐGTS còn hạn chế. Do đó, DN BĐGTS chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về BĐGTS.
Cụ thể, DN chưa thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ; không thông báo bằng văn bản việc đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp nơi DN đặt trụ sở chính trong thời hạn quy định; không đăng ký danh sách đấu giá viên cũng như việc thay đồi, bổ sung danh sách đấu giá viên với Sở Tư pháp nên cơ quan này không thể nắm hết cụ thể số lượng đấu giá viên đang hành nghề tại địa phương để quản lý và thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng đề nghị bổ sung chế tài để xử lý hành vi vi phạm quy định về sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá; tổ chức BĐGTS chuyên nghiệp không đăng ký danh sách đấu giá viên, việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên với Sở Tư pháp.
Tự cấp thẻ: chưa phù hợp
Theo Thông tư số 23 ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản thì Giám đốc Trung tâm dịch vụ BĐGTS, doanh nghiệp BĐGTS cấp thẻ đấu giá viên cho đấu giá viên để sử dụng trong thời gian làm việc tại Trung tâm, DN...Quy định “tự mình cấp thẻ cho mình” như trên theo nhiều cơ quan Tư pháp là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, một số cơ quan Tư pháp cũng đề nghị cần quy định rõ luật sư có đồng thời được là đấu giá viên hay không, cần có hướng dẫn cụ thể việc thành lập chi nhánh DN BĐGTS đối với các DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực…
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ BĐGTS Hải Dương thì nếu giao DN bán đấu giá được quyền như các Trung tâm sẽ thiếu sự công bằng. “Đấu giá tư nhân dễ tạo ra sự móc ngoặc, thao túng nhất là trong việc bán tài sản nhà nước. Trong khi đó, nếu giao việc bán tài sản nhà nước cho các Trung tâm đấu giá của nhà nước sẽ yên tâm hơn. Do vậy, để tránh thất thoát, đề nghị tài sản nhà nước dứt khoát chỉ giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản” - ông Dân đề nghị.
Để thực hiện quản lý về tổ chức, hoạt động BĐGTS tại địa phương, việc xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở KH&ĐT, với các sở, ngành khác là cần thiết. ..Thực tế, nhiều địa phương đã có quy định về mối quan hệ phối hợp trong BĐGTS. Nội dung quy chế phối hợp, cách thức triển khai cụ thể được giao cho một đơn vị chủ trì xây dựng và gửi các đơn vị liên quan tham gia ý kiến để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương và chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị… (Nguồn: Bộ Tư pháp) |
Thanh Nhàn