Công ty Trisun International Developments Pty Ltd (Australia) và Công ty TNHH Kiên Giang Composite (KGC) cùng giới thiệu đến các nhà quản lý, nhà khoa học và các đối tác dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma tại TP HCM. Dự kiến nguồn tài chính cho dự án này vào khoảng 400 triệu USD, từ nguồn vốn tự đầu tư và kết hợp với các đối tác nước ngoài. Dự án khí hóa rác thải sản xuất ra điện năng này sẽ sử dụng công nghệ cung hồ quang (hay còn được gọi là khí hóa Plasma), khí hóa rác thải để sản xuất ra điện và các sản phẩm khác có ích cho xã hội.
Công ty kỳ vọng xây dựng một nhà máy khí hóa Plasma đầu tiên tại TP.HCM với dây chuyền thiết bị giai đoạn 1 có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất ra 1,6 triệu KWh điện/ngày, cung cấp 55% sản lượng điện thương phẩm cho lưới điện quốc gia sau khi để lại lượng điện cho việc vận hành nhà máy. Ngoài sản phẩm điện, nhà máy còn sản xuất các phụ phẩm có giá trị khác như gạch, đá xây dựng, đá xốp…
Về công nghệ, đây là sản phẩm công nghệ cao, mới có nguồn gốc từ NASA, được các công ty công nghệ cao nổi tiếng của Mỹ như General Electric, Westinghouse, Alter NRG… ứng dụng, chế tạo thiết bị. Ứng dụng công nghệ Plasma là thực hiện một quá trình sử dụng điện để tạo ra cung hồ quang ở nhiệt độ cực cao (7.000-9.000oC) nhằm biến các loại chất thải thành khí phân tử, nguyên tố (gọi là khí tổng hợp), hơi nước và chất xỉ bằng các thiết bị đặc biệt, gọi là thiết bị chuyển đổi Plasma.
Về hiệu quả kinh tế-xã hội: một dự án như vậy sẽ giúp giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các bãi chôn lấp rác thải hiện tại, tiết kiệm quỹ đất. Mô hình nhà máy được tính toán tất cả các chi phí vốn trong chi phí nhà máy sẽ được hoàn lại trong vòng 8 năm kể từ khi khởi công.
Các tiềm năng của dự án được đánh giá: 1 tấn chất thải rắn có thể sản xuất được 815KWh điện, tạo ra năng lượng sạch, an toàn và hiệu quả. Sản lượng điện có tính thương mại cao nếu so sánh với các nguồn năng lượng tái tạo như: mặt trời, gió, nước...; Sạch với môi trường nhờ không sinh khí thải và khí gây hiệu ứng nhà kính, không làm ô nhiễm nguồn nước mà còn tạo ra một loại vật liệu (như đá xốp) dùng làm vật liệu bảo ôn, vật liệu lọc nước thải, khí thải.
Không chỉ khí hóa rác thải, công nghệ Plasma còn khí hóa được tất cả nhiên liệu khác, điều này cho phép sử dụng được các loại than kém chất lượng, dầu thải… một cách hiệu quả.
Ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị KGC cho biết: "Nhận thấy đây là cơ hội tốt đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi giới thiệu với các ngành liên quan đến môi trường, năng lượng nhằm tìm kiếm những đánh giá khoa học trong mục tiêu tiến tới đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Nếu dự án được chấp thuận về chủ trương, KGC sẽ cùng các đối tác khảo sát, lập dự án trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, trong vòng 36 tháng chúng tôi sẽ đưa nhà máy vào vận hành”.
“KGC biết rõ thế mạnh về tài chính và công nghệ mà mình tiếp cận được và cũng đánh giá được những khó khăn thách thức sẽ phải vượt qua. KGC và các đối tác cũng đặt trách nhiệm và tham vọng cho sự thành công ở dự án đầu tiên này, để có thể phát triển thêm nhiều nhà máy khác tại Việt Nam”, ông Ẩn cho biết thêm.
T.A