Dự án bảo tàng Covid đầu tiên được ấp ủ…
Đầu năm 2021, bác sĩ Arjun Dasgupta cũng là người đứng đầu Tổ chức Diễn đàn Bác sĩ Bang West Bengal (WBDF), đề xuất với Chính phủ tiểu bang để thành lập một bảo tàng Covid nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những y, bác sĩ, nhân viên y tế đã đóng góp và hy sinh trong cuộc chiến trong đại dịch toàn cầu.
Chia sẻ với tờ Press Trust of India, bác sĩ Dasgupta nói: “Chỉ tính riêng tổ chức của chúng tôi, đã có khoảng 90 bác sĩ hy sinh bởi dịch bệnh. Giống như rất nhiều thứ khác, những con người này sẽ bị lãng quên bởi thế hệ tương lai. Chính điều đó là động lực khiến chúng tôi phải thực hiện bảo tàng này”. Với ông, đại dịch COVID-19 là một sự kiện không thể lường trước được và chưa từng xảy ra trong khoảng 100 năm nay. Kể cả sau khi đại dịch trôi qua, con người vẫn không thể ngừng nghĩ về nó.
Bảo tàng COVIDkể lại câu chuyện của các nhân viên y tế - những người ở tiền tuyến chống dịch, những đóng góp to lớn của họ cũng như những mất mát, hy sinh. Các mẫu vật được trưng bày sẽ bao gồm bộ dụng cụ PPE, găng tay, khẩu trang, chất khử trùng, thậm chí cả xe cứu thương để đưa đón bệnh những và những vật dụng thiết yếu khác trong đại dịch. Bảo tàng sẽ dành riêng một khu vực xây dựng đài tưởng niệm cho các bác sĩ đã chống chọi với vi rút SARS-CoV-2. Ngoài ra, các chủ đề quan trọng khác bao gồm cách thức vắc xin được điều chế và thay đổi cuộc chiến chống dịch của toàn nhân loại như thế nào, các quốc gia khác nhau đã làm gì để phòng chốt lây nhiễm trong cộng đồng…
Mặc dù đề xuất này vẫn đang chờ chính quyền tiểu bang thẩm định nhưng đây là mong muốn của rất nhiều y, bác sĩ hiện đang công tác tại tuyến đầu chống dịch, gia đình và người thân của các nhân viên y tế đã khuất, cũng như rất nhiều người dân khác tại Ấn Độ, đặc biệt khi đất nước này đã và đang trải qua quá nhiều đau thương, mất mát bởi COVID-19.
Đề xuất xây dựng Bảo tàng COVID ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: IndiaToday |
Một triển lãm đặc biệt để tưởng niệm
Mặc dù chưa có một bảo tàng chính thức về COVID-19 nhưng các bảo tàng trên thế giới đều đã hoặc đang dành những không gian đặc biệt cho những sự kiện văn hóa, nghệ thuật bày tỏ lòng tôn kính, tưởng niệm những nhân viên y tế đã ra đi tại tiền tuyến chống dịch. Trong đó, có những dự án nghệ thuật chính là sự “chữa lành” phần nào đối với những gia đình, người thân của người đã mất.
Vào khoảng giữa tháng 3/2021 đã diễn ra một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Transcendient: Memorial to Health Care” (Siêu nghiệm: Tưởng niệm về nền y tế) của nghệ sĩ Taiji Terasaki (62 tuổi) tại Bảo tàng Quốc gia Nhật – Mỹ ở thành phố Los Angeles (Bang California, Hoa Kỳ). Theo tờ Los Angeles Times (Mỹ), đó là một không gian triển lãm nghệ thuật dành cho nỗi đau và những mất mát, nhằm vinh danh những nhân viên y tế đã thiệt mạng bởi COVID-19.
Nói về khởi điểm của dự án, Terasaki tạo ra những bức ảnh nghệ thuật từ nhiều mảnh ghép, với chủ đề ghi nhận công lao của những tình nguyện viên, nhân viên y tế trong giai đoạn dịch bệnh. Ông đăng tải chúng lên Instagram của mình mỗi ngày, liên tục trong vòng 100 ngày. Khi dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, những ca tử vong ngày càng gia tăng, Terasaki đã quyết định làm một điều gì đó sâu sắc hơn về những y, bác sĩ đã hy sinh, với mong muốn không để những hy sinh ấy trôi vào quên lãng, khi những người nằm xuống âm thầm còn chẳng được ai gọi tên.
Cơ duyên đã khiến ông tình cờ biết tới dự án “Lost on the Frontline” (tạm dịch: Đã mất tại nơi tiền tuyến) giữa đài Kaiser Health News và tờ báo Guardian. Dự án gồm loạt phim ngắn dựa trên câu chuyện có thật của các nhân viên y tế đã qua đời vì COVID-19, cũng như những phóng sự điều tra về điều kiện làm việc của các nhân viên y tế chống dịch. Christina Jewett, phóng viên điều tra chính của Kaiser Health News cho dự án trên cho biết, nhóm nghiên cứu của cô đã thu thập, xác minh được hơn 3.500 trường hợp nhân viên y tế tử vong bởi vi rút SARS-CoV-2 từ nhiều bang khác nhau trên nước Mỹ.
Sau khi liên hệ với Kaiser Health News để có thể phát triển một dự án nghệ thuật liên quan đến điều này, Terasaki đã có thể tiếp cận với một số gia đình tham gia dự án “Lost on the Frontline” để thu thập những hình ảnh của các y, bác sĩ đã qua đời vì COVID-19. Một trong những người đồng ý chia sẻ là Helena Cawley (41 tuổi). Cô đã đóng góp một bức chân dung của cha cô – David Wolin, cũng là một bác sĩ X-quang đã đột ngột qua đời ở tuổi 74 không lâu sau khi phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Cô kể lại, đó là ngày 30/03/2020 – thời điểm các xét nghiệm COVID-19 còn khan hiếm, các bệnh viện còn đang “tranh giành” để có được những chiếc máy thở và mặt nạ, Hoa Kỳ vừa chạm mốc 3.000 ca tử vong.
Lúc ấy, thành phố New York nơi Cawley sinh sống đang giãn cách toàn xã hội, người dân phải ở trong nhà và không cách nào cô có thể gặp được cha mình ở những giây phút cuối cúng. Khoảng một giờ sau khi biết tin cha qua đời, Cawley nhớ rằng, cô vẫn ở trong nhà bếp, nước mắt lưng tròng trong khi chuẩn bị bữa trưa cho hai đứa con nhỏ. Nỗi đau ấy vẫn chưa hề nguôi ngoai trong suốt năm 2020, mặc dù chồng cô đã luôn ở bên cạnh cô. Thỉnh thoảng cô sẽ đến thăm mộ ông hoặc ngồi trên những băng ghế dài ở Trung tâm Bệnh viện Brooklyn – nơi cô có thể tưởng niệm về ông. Bức ảnh là một trong những di vật còn lại, cùng một chiếc nhẫn mà cha cô đã tặng.
Cawley cho biết cô rất biết ơn Terasaki về dự án “Transcendient: Memorial to Health Care” đã tạo cơ hội để người khác biết đến những y, bác sĩ đã qua đời như cha cô. Có rất nhiều cái tên của các y, bác sĩ đã âm thầm “ngã xuống” trong cuộc chiến khủng khiếp với Covid-19 mà chẳng ai biết đến, rồi dần bị lãng quên theo thời gian. Terasaki – tác giả của buổi triển lãm cho rằng: “Nếu hỏi ai là người hy sinh nhiều nhất thì chính là những nhân viên y tế đã và đang mạo hiểm mạng sống của họ để cứu sống những bệnh nhân Covid khác. So với văn hóa Á Đông, nền văn hóa Mỹ có phần coi nhẹ hơn các nghi thức về tưởng niệm người đã khuất. Điều thực sự cần hiện nay chính là một không gian tĩnh lặng để suy ngẫm và bày tỏ lòng thành kính tới những người đã ra đi”.
Triển lãm của nghệ sĩ Terasaki ở Bảo tàng Quốc gia Nhật – Mỹ, thành phố Los Angeles. Ảnh: LATimes |
“Đó là điều tôi phải làm!”
Ở một điểm đến đặc biệt khác chính là Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Latvia ở thủ đô Riga của đất nước Latvia. Kể từ một năm nay, ngay phía trước Bảo tàng, người dân có thể thấy xuất hiện một bức tượng khổng lồ, cao gần 6 mét. Đáng nói, bức tượng là hình ảnh một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, đeo mặt nạ, găng tay và hướng lên bầu trời. Cô ấy đi một đôi guốc màu hồng và một ống nghe đeo quanh cổ. Bức tượng được tạo ra bởi nghệ sĩ Aigars Bikše, được công bố vào tháng 6/2020, với ý nghĩa tôn vinh các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế trên tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Chia sẻ với Reuters, Bikše cho biết anh đã mất khoảng ba tháng để tạo ra sản phẩm này, từ nguồn cảm hứng khi nhìn thấy sự dũng cảm, những đóng góp và hy sinh quý giá của các nhân viên y tế khi cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm vi rút Sars-CoV-2. Nhiều người trong số họ cũng nhiễm phải căn bệnh này và không thể vượt qua được. Anh nói: “Tôi xem trên tin tức, thấy các bác sĩ ở Ý ngủ trên sàn bệnh viện, khuôn mặt bị thuơng do đeo mặt nạ trong nhiều giờ. Lúc ấy, tôi hiểu rằng, với tư cách là một nghệ sĩ và một nhà điêu khắc, tôi phải làm điều gì đó!”.
Mọi người trên khắp thế giới đã và đang thể hiện lòng biết ơn và sự trân trọng của họ đối với các nhân viên y tế không ngần ngại nguy hiểm xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Thậm chí ở nhiều thành phố, người dân còn tự tổ chức nghi lễ tưởng niệm hàng đêm trên ban công hoặc bậc cửa của nhà mình để nhớ ơn đến những người đã hy sinh, cổ vũ những y, bác sĩ và các lao động tình nguyện vẫn đang tiếp tục cuộc chiến.