"Nguyên tắc của chúng tôi trong giải quyết nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước là sẽ chỉ giải quyết nợ xấu ở những doanh nghiệp có kế hoạch tái cơ cấu tốt, có tiềm năng phát triển. Còn đối với những công ty không có triển vọng phát triển, chúng tôi sẽ cho phá sản”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung trả lời phỏng vấn Bloomberg.
Trong cuộc phỏng vấn này, ông Trung cho biết, đến tháng 6/2013, Việt Nam sẽ có một lộ trình để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, khu vực chiếm khoảng 37% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo ông Trung, Chính phủ dự kiến sẽ bán các mảng kinh doanh không trọng yếu của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian đến năm 2015, đồng thời sẽ chỉ giữ lại cổ phần 50-75% trong hầu hết các doanh nghiệp này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung. |
Bloomberg nhận định, những tuyên bố mà ông Trung đưa ra là tín hiệu đầu tiên về một mục tiêu giữa năm cho kế hoạch tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước - kế hoạch đánh dấu nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam nhằm thanh lọc các tập đoàn kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế nhà nước hiện chiếm 60% vốn tín dụng và quá nửa số nợ xấu của các ngân hàng, gây cản trở tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
“Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của chúng tôi trong tiến trình cải cách nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đặt mục tiêu đưa các công ty nhà nước tập trung nguồn lực vào những mảng kinh doanh chính và nhường cơ hội ở những khu vực không then chốt cho các doanh nghiệp khác”, ông Trung nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 1/2.
Chỉ số VN-Index đã bật tăng trở lại và từ đầu năm tới nay đã tăng hơn 16% nhờ Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất cũng như sự khởi sắc ở các nền kinh tế lớn giúp cải thiện triển vọng cho xuất khẩu - lĩnh vực chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
“Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là việc quan trọng nhất cần làm ngay để thúc đẩy nền kinh tế”, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, phát biểu. Theo ông Nghĩa, việc tái cơ cấu “khu vực quốc doanh sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho khu vực tư nhân và các khu vực khác có mức độ hiệu quả cao hơn”.
Ông Nghĩa cho rằng, những nỗ lực này sẽ đem đến thêm nhiều vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay. 5 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Việt Nam gồm PetroVietnam, Petrolimex, EVN, VNPT và Vinacomin. Trong đó, Petrolimex đã bán cổ phần trong năm 2011. Kế hoạch của Chính phủ dự kiến bán cổ phần trong MobiFone và Vietnam Airlines đến nay vẫn bị trì hoãn.
Khi nói về việc bán tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước, ông Trung cho biết, “tiến trình thoái vốn và cổ phần hóa sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước”.
Từng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài mạnh nhất tại Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đến nay đã giảm xuống sau một thời kỳ bùng nổ. Năm 2012, GDP Việt Nam chỉ tăng 5,03%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1999.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ giải quyết sự thiếu quả do mối liên hệ giữa các ngân hàng và các công ty quốc doanh nhận được phần lớn số vốn vay từ các ngân hàng này. Việt Nam đang xem xét sửa đổi nội dung trong Hiến pháp quy định doanh nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
“Nợ xấu trong các doanh nghiệp nhà nước là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế mà chúng tôi phải giải quyết lúc này. Nguyên tắc của chúng tôi trong giải quyết nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước là sẽ chỉ giải quyết nợ xấu ở những doanh nghiệp có kế hoạch tái cơ cấu tốt, có tiềm năng phát triển. Còn đối với những công ty không có triển vọng phát triển, chúng tôi sẽ cho phá sản”, ông Trung cho hay trong một văn bản sau cuộc phỏng vấn.
“Sau khi tái cơ cấu, chúng tôi sẽ duy trì mức nắm giữ 100% ở rất ít doanh nghiệp nhà nước. Đó sẽ là những doanh nghiệp trong một vài lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không thể tham gia, chẳng hạn dịch vụ công cộng, an ninh và quốc phòng, và một số rất ít doanh nghiệp ở những lĩnh vực chủ chốt tạo nên nền móng cho nền kinh tế. Tại các doanh nghiệp khác, mức nắm giữ của Chính phủ sẽ trong khoảng từ 50-75%”, ông Trung nói trong cuộc trả lời phỏng vấn.
Cũng theo ông Trung, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước “làm rõ về số nợ xấu cần giải quyết”. Ông Trung cho biết, Chính phủ “muốn các doanh nghiệp nhà nước tập trung làm kinh tế chứ không phân công nhiệm vụ chính trị cho các doanh nghiệp này”.
Theo VnEconomy