Đến thời điểm này, đa phần nghệ sĩ đã thích nghi với hoàn cảnh và nỗ lực vượt khó, hoạt động xã hội, hoạt động sáng tạo để tạo ra sản phẩm nghệ thuật phục vụ người dân. Sau đại dịch, có lẽ làng giải trí Việt sẽ chứng kiến một sự đổi thay không hề nhỏ từ tư duy đến cách làm việc.
Như nữ diễn viên hài Thanh Thủy. Ở tuổi xấp xỉ 60, chị vẫn cùng bạn bè hàng ngày nấu cơm từ thiện để gửi đến các bệnh viện, cho người nghèo, lang thang. Trong hoạt động nghệ thuật, chị tâm sự, thời điểm này tập làm quen với cách làm việc trực tuyến, học hỏi thêm về công nghệ. Thời gian qua, chị sử dụng công nghệ để dạy học trực tuyến, họp hành hay triển khai công việc online.
Cũng ở độ tuổi 60 nhưng nghệ sĩ Ái Như, chủ sân khấu Hoàng Thái Thanh hoàn toàn không chịu “đóng băng” trong mùa dịch. Giãn cách xã hội, chị ở nhà sáng tạo nghệ thuật. Sân khấu đóng cửa, chị tự mở buổi diễn qua Fanpage của sân khấu. Fanpage của sân khấu đã chia sẻ đến công chúng nhiều video như “Chuyện cách ly nhà bà Hai”, “Phòng dịch mùa Covid cùng cô Uyên”, hay mới đây nhất là clip “Nhà ngoại cảm Mộng Hoài (một nhân vật trong một vở diễn của sân khấu) đang làm việc tại nhà”. Nhân vật này do nghệ sĩ Ái Như thủ vai, với “đạo cụ” là vật dụng trong nhà. Các clip đều không dài, chưa đến 10 phút nhưng duyên dáng, hài hước, đậm phong cách Hoàng Thái Thanh khiến khán giả ủng hộ nhiệt liệt, chia sẻ là “nhờ xem mà đỡ nhớ sân khấu”.
Nghệ sĩ Bảo Quốc, người đàn ông đã quá tuổi thất thập cũng không “chịu thua” giới trẻ khi tái xuất với một sản phẩm âm nhạc hài phát livestream: “Ở nhà… chắc ăn” (do Bảo Lộc, chồng nghệ sĩ Hồng Loan, con rể nghệ sĩ Bảo Quốc sáng tác). Bảo Quốc vào vai ông ngoại vì buồn chán muốn ra ngoài nhưng cô cháu gái (bé Gia Linh, 8 tuổi, cháu gái Nghệ sĩ Bảo Quốc đóng) liên tục “canh me” ngăn cản không cho ngoại ra ngoài vì… con Corona. Tiểu phẩm nhằm hướng đến động viên tinh thần người lớn tuổi, mong khán giả lớn tuổi ở nhà, giữ gìn sức khỏe…
Nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội thời gian này cũng nhớ khán giả nên livestream “chiêu đãi” khán giả của mình. Tương tự, không ít nghệ sĩ gạo cội vẫn dùng công nghệ để tương tác, đem sản phẩm nghệ thuật của mình đến với công chúng. Nghệ thuật không biên giới, điều đó quả thật không sai. Đại dịch có thể ngăn cản người ta đi xem kịch, nghe hát, nhưng không thể ngăn cản người nghệ sĩ dù ở tuổi nào, tiếp tục lao động nghệ thuật, đem niềm vui đến cho khán giả.