Sáng kiến “Bóng đá không giới hạn” vì sự thay đổi và tiến bộ cho mọi trẻ em

Sáng kiến “Bóng đá không giới hạn” vì sự thay đổi và tiến bộ cho mọi trẻ em
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Sáng kiến “Bóng đá không giới hạn” là một hoạt động hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Bộ GD-ĐT và Hiệp hội Thể thao Học sinh Việt Nam.

Mục tiêu là cung cấp bóng đá và thông tin cần thiết về vai trò của thể thao đối với sự phát triển tích cực của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cho hơn 30.000 trường học. Sáng kiến này được đưa ra và thực hiện khắp đất nước từ đầu tháng 11/2022 nhân kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới 20/11 và tới đây sẽ được tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo, trong cả thời gian Giải vô địch bóng đá nữ thế giới diễn ra vào năm 2023.

Trong khuôn khổ sáng kiến, các ngôi sao bóng đá quốc tế và Việt Nam hợp tác với UNICEF triển khai chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng, nhằm tạo ra sự thay đổi và tiến bộ cho mọi trẻ em. Trên tinh thần đó, UNICEF khuyến khích các môn thể thao đồng đội, khuyến khích trẻ em gái tham gia thể thao và hỗ trợ Bộ GD&ĐT thực hiện mục tiêu này.

“Chúng tôi mong muốn các trường học và phụ huynh hiểu rằng thể thao mang lại nhiều thứ hơn là tăng cường thể lực, nhanh tay nhanh mắt. Hôm nay chúng ta tôn vinh sức mạnh của thể thao, ngoài những lợi ích về thể chất và tinh thần, thì thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần, mang lại niềm vui, hỗ trợ dinh dưỡng tốt, giúp trẻ em và thanh thiếu niên thực hành các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc, chẳng hạn như giao tiếp, đàm phán, chiến lược, học cách đứng dậy sau thất bại, làm việc nhóm và lãnh đạo”, theo bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam.

Là quốc gia đầu tiên trong khu vực phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em vào năm 1990, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn cho 27 triệu trẻ em trên toàn quốc, đảm bảo rằng tất cả các em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục, được bảo vệ và được trao quyền để phát huy hết tiềm năng của mình.

Theo bà Rana Flowers, bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, vẫn còn những công việc chưa hoàn thành như do tác động của đại dịch COVID, thiên tai, biến đổi khí hậu, rất nhiều trẻ em đang phải đối mặt với sự chênh lệch ngày càng sâu sắc, phải sống trong cảnh nghèo đa chiều và bị bỏ lại phía sau.

Do đó, cần tập trung vào các vấn đề cụ thể và sắp xếp lại ưu tiên và nguồn lực để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao nhất, trẻ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, trẻ có cha mẹ đi làm xa nhà, trẻ khuyết tật và tất cả những trẻ đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn.

Số liệu thống kê cho thấy cần thực hiện nhiều hành động hơn nữa để thu hẹp khoảng cách và đưa tuổi thơ trở lại với mọi trẻ em. 14,5% trẻ em có nguy cơ bị thiếu ít nhất hai trong số các phúc lợi dành cho trẻ em. Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ cao gấp hai lần so với trẻ em ở khu vực thành thị. Gần 20% trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, suy dinh dưỡng nặng, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 trẻ em mỗi năm, và chỉ 10% trong số đó được điều trị thích hợp. 72% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi bị kỷ luật bạo lực ở nhà. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em dân tộc từ 3 đến 5 tuổi chỉ đạt 66%, so với 92% của trẻ em trên cả nước.

Đọc thêm