Được một cán bộ văn hóa huyện Võ Nhai kể về những kho báu, những pho đồ cổ, trên quê hương rừng xanh đại ngàn Võ Nhai của mình, chúng vượt hơn 200 km tìm đến vùng đất Nghinh Tường (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Đây là "cái nôi" của câu chuyện về những kho báu, những pho tượng cổ.
Từ những lời tương truyền...
Phải mất rất nhiều công sức, sự quyết tâm chúng tôi mới đặt chấn tới mảnh đất Nghinh Tường, trung tâm của những lời tương truyền về kho báu giữa đại ngàn rừng xanh. Đây là một vùng đất xa xôi của huyện Võ Nhai, nơi giáp ranh với huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Toàn bộ xã được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xếp xen kẽ nhau tạo thành hình vòng cung. Cũng chính bởi điều đó tạo ra cho vùng đất nơi đây, những hang động và các dãy núi hiểm trở. Qua bao đời nay vùng đất này vẫn tồn tại nhiều giai thoại về các kho báu. Câu chuyện về những kho báu từ thời xa xưa chưa bao giờ là quá khứ đới với người dân nơi đây.
Theo các bậc cao niên ở xã Nghinh Tường, vào khoảng cuối thế kỷ 19, giặc Cờ Đen (chủ tướng là Lưu Vĩnh Phúc) sang Việt Nam tị nạn, trên đường trở về, đến địa phận xã Nghinh Tường ngày nay thì gặp phải sự kháng cự của người dân địa phương. Sau khi giao tranh, bọn cướp Cờ Đen không thể tự mình mang nổi vàng bạc châu báu theo nên đã bắt những tù binh mang đi giấu tại vùng đất này. Từ đó mới hình thành nhiều giai thoại về nơi chôn giấu những kho báu.
Trong những ngày tìm hiểu về những giai thoại này, tình cờ chúng tôi gặp được cụ Nông Văn Thuyết (76 tuổi) - một người từng nhiều năm tìm hiểu về chuyện đi tìm kho báu ở vùng đất này. Cụ Thuyết cho biết, hồi còn nhỏ nghe bố của mình kể rằng trên núi Xà Hon có nhiều hang mà người dân đã nhặt được nhiều vàng bạc và đồ cổ. Ngọn núi này có rất nhiều hang động, những hang động này thường nối liền với nhau. Cụ kể, chính bản thân mình cũng từng cùng 2 người nữa lên núi, chui hang để tìm đồ cổ. Hiện nay các cửa hang này hầu hết đã bị đất đá lấp hết, còn rất ít hang có thể chui vào được.
Qua những lời kể của người dân nơi đây thì, năm nào cũng có những đoàn người không biết từ đâu đến vẫn lên núi đào bới, chui hang tìm đồ cổ, châu báu.
“Nhiều năm qua cũng đã có nhiều người tìm đến đây để mong một lần được xem thứ mà người ta gọi là đồ cổ. Năm 1978, tôi cùng hai người trong bản nữa đi lên núi Xà Hon. Sau khi đi vòng vèo nửa ngày đường, chúng tôi tìm thấy hai cửa hang. Cửa hang thứ nhất khói và hơi nước bốc ra mù mịt, chúng tôi không thể nào chui vào nổi. Cửa hang thứ 2 chỉ đủ cho một mình tôi chui vào. Sau nửa ngày, tôi lân la tìm được một bộ ấm chén (ba cái chén và một cái ấm) nhưng không còn nguyên vẹn. Từ khi đem nó về nhà tôi vẫn giữ nó, ít khi đem ra cho ai xem. Thực ra tôi cũng không biết chính xác nó có phải là đồ cổ không”- Một già làng bản Nhàu tâm sự.
Lên rừng săn cổ vật...
Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới thuyết phục được anh Hà Văn Sáng dẫn đến “Núi Xà Hon và hòn đá Quan Tài”, nơi gắn liền với các giai thoại về những kho báu và những món đồ cổ.
Sau hơn một tiếng đồng hồ băng qua con đường lầy lội đang thi công, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bìa rừng. Nhưng từ đây, con đường chinh phục mới thực sự gian nan. Hòn đá Quan tài nằm chênh vênh trên ngọn núi Khau Nao (ngọn núi cao nhất huyện Võ Nhai). Dù đã được chỉ dẫn tận tình nhưng cũng phải mất gần một ngày chúng tôi mới tìm thấy “hòn đá vạn người tìm” này.
Nằm lẩn khuất trong một lùm cây ùm tùm, hòn đá hiện ra trước mắt chúng tôi chẳng có gì đặc biệt ngoài vẻ vuông vắn, rêu phong theo năm tháng của nó. Xung quanh khu vực này cũng không có gì đặc biệt ngoài những cánh rừng già.
Cùng ngồi trên mỏm đá nghỉ ngơi, anh Sáng, người dẫn đường thiện nghệ và từng chứng kiến nhiều biến cố liên quan đến hòn đá này kể: “Trước đây nó cũng không có gì là đặc biệt. Khoảng năm 1998, tự nhiên có mấy người Trung Quốc họ sang đây tìm kiếm thứ gì đó cả mấy ngày. Sau đó họ khoan vào hòn đá này và cho nổ mìn nhưng mà hòn đá không vỡ. Đấy anh nhìn phía dưới vẫn còn mũi khoan tròn xoe, sâu vào lòng hòn đá chính là chỗ họ nổ mìn. Theo lời đồn đại thì tại dưới chân hòn đá này có người đã đào được mấy quyển sách cổ. Những người sành về các kho báu bảo đây chính là cột mốc để đối chiếu với cột mốc ở trên đỉnh núi. Họ cho rằng đấy là những mốc để lần ra kho báu thực sự”.
Một ngày giữa rừng núi lần theo những lời tương truyền huyền bí, với cảm giác của một người đi săn đồ cổ. chúng tôi phải chia tay với mảnh đất huyền bí này, ra khỏi cánh rừng trước khi màn đêm bao trùm nơi đây.
Sự thật về những kho báu
Xung quanh câu chuyện về những kho báu, thực hư chưa biết ra sao, nhưng đã nảy sinh nhiều tin đồn thất thiệt gây dư luận xấu. Một mảnh đất vốn yên bình nay trở nên rúng động bởi những dấu chân của giới săn đồ cổ. Khoảng trung tuần tháng 3 năm 2009, có vài người tổ chức đào đồ cổ tại khu vực chân núi Khuổi Ngần. Họ đào đêm hôm trước, sáng hôm sau bỗng có tin đồn hôm qua có người đào chỗ này và họ thu được hơn một tạ vàng.
Tin đồn nhanh chóng lan ra khắp xã khiến cho nhiều người kháo nhau và cũng tay búa tay xẻng đi lên núi tìm vàng và đồ cổ. Nhiều người còn bỏ bê cả việc nhà, huy động cả mấy anh em trong gia đình lên rừng đào bới mong đổi đời. Có thời điểm tình hình “nóng” đến nỗi chính quyền địa phương phải đến tận nhà vận động từng người dân không nên nghe tin đồn mà bỏ bê việc đồng áng.
Chuyện không chỉ dừng ở đó, nhiều người dựa vào chuyện này mà tung nhiều tin đồn gây hoang mang dư luận. Lợi dụng lòng tin gây mê tín dị đoan, hành nghề bói toán tìm đồ cổ. Con đường nối từ quốc lộ 1B qua các xã Vũ Chấn, Nghinh Tường đang thi công, phải đào đắp nhiều đồi núi. Nhưng do trời mưa nhiều nên nhà thầu không thể thi công và cho công nhân tạm nghỉ. Lợi dụng sự việc này nhiều người tung tin đồn là trong khi đào đắp đường, họ đã lấy được rất nhiều vàng và đồ cổ nên bỏ không làm đường nữa.
Trao đổi với PV, ông Hà Văn Ninh (quyền chủ tịch UBND xã Nghinh Tường) cho biết: “Không có chuyện nhiều người dân tìm được các kho báu. Đó chỉ là những tin đồn thất thiệt. Cán bộ xã đã nhiều lần đi xác minh, nhưng không hề có chuyện người dân nhặt được đồ cổ hay vàng bạc. Cách đây vài hôm có tin đồn một số người đào được hơn tạ vàng và nhiều sách cổ, chính quyền cũng đã xuống tận nơi và gặp trực tiếp những người này nhưng họ không hề nhặt được kho báu nào. Những câu chuyện về kho báu cứ chuyền tai nhau trong nhân dân từ đời này qua đời khác chứ chưa có một nghiên cứu cụ thể nào”.
Thiên Minh